Sáng 29/11, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi họp báo công bố kết điều tra, triệt phá tổ chức "tín dụng đen" hoạt động tại 63 tỉnh thành, thành phố trên cả nước, đồng thời tổ chức khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể xuất sắc trong quá trình đấu tranh, điều tra, phá án.

Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, khoảng 11h30 phút ngày 19/7/2018, Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nam trong tình trạng nguy kịch và tử vong ngay sau đó. Khi biết nạn nhân tử vong, người đưa nạn nhân đi cấp cứu bỏ đi.

Sau khi tiếp nhận vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa xác minh nạn nhân là Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1999, trú tại thôn Liên Tân, Xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, là nhân viên "Công ty tài chính Nam Long" có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo
 

Từ tháng 4/2018, anh Minh làm việc cho công ty này tại chi nhánh Bắc Kạn, nhiệm vụ chính của nạn nhân là đi thu tiền nợ mà khách vay của của "Công ty tài chính Nam Long” về nộp cho công ty.

Quá trình điều tra xác minh, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tội phạm hoạt động có tổ chức, hoạt động tín dụng đen có tính chất chuyên nghiệp, phạm vi rất rộng, quan hệ phức tạp, có sự phân công tổ chức chặt chẽ, hoạt động núp bóng doanh nghiệp, có nhiều phương thức thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi.

Ngay sau đó, Công an Thanh Hóa đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo xác lập chuyên án, thành lập Ban chuyên án, Ban chỉ đạo chuyên án của Bộ Công an để tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh triệt xóa.

Bộ công an tặng thưởng ban chuyên án
Bộ công an tặng thưởng ban chuyên án
 

Sau 4 tháng tổ chức điều tra, đến nay cơ quan Cánh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 9 bị can trong tổ chức tội phạm trên do Nguyễn Đức Thành là đối tượng chủ mưu, cầm đầu (hiện nay cơ qua điều tra công an tỉnh đang tạm giam 4 tháng đối với 7 bị can, và truy nã 2 bị can).

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Nguyễn Đức Thành, sinh năm 1988, ở phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh bàn bạc với Nguyễn Cao Thắng, sinh năm 1984, ở phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh thống nhất với nhau mở “công ty chung” để hoạt động tín dụng đen, lấy tên là “Công ty Nam Long” tuy nhiên không đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng, đặt tại 393/5 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

"Công ty" kinh doanh cho vay tài chính dưới các hình thức hợp đồng trả góp trong thời hạn 41 ngày, mỗi ngày người vay phải trả tiền gốc và lãi là 3% tổng số tiền vay; hợp đồng trả góp trong thời hạn 51 ngày, mỗi ngày người vay phải trả cả gốc và lãi là 2,5% tổng số tiền vay; ngoài ra còn hợp đồng “lãi đứng” với mức lãi từ 15-30%/ngày.

Đối tượng cho vay là cá nhân có tài sản đảm bảo, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp. Thắng là người chịu trách nhiệm huy động vốn cho tổ chức tín dụng, còn Thành làm giám đốc chỉ đạo toàn bộ hoạt động của bộ máy “Công ty Nam Long”, lợi nhận thu được chia làm 2 phần, trong đó 50% sử dụng quay lại để công ty cho vay, 50% lợi nhuận còn lại Thành và Thắng chia nhau.

Cho đến khi bị công an triệt phá, bộ máy của công ty đã có 26 chi nhánh, hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố. Các đối tượng đã tạo vỏ bọc hợp pháp với danh nghĩa là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và kỹ thuật xây dựng Thành Nam (công ty đã dừng hoạt động).

Công ty tuyển nhân viên qua mạng xã hội, với những qui định khắt khe, mang tính ràng buộc, khống chế, đe dọa như: nếu phá vỡ hợp đồng thì phải bồi thường 100 triệu đồng, chặt ngón tay, hủy hoại bản thân và gia đình, đánh đòn sa thải…

 7 đối tượng cầm đầu băng nhóm tín dụng đen Nam Long bị bắt giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa

7 đối tượng cầm đầu băng nhóm tín dụng đen Nam Long bị bắt giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Công ty tài chính Nam Long được tổ chức hoạt động rất "chuyên nghiệp", huấn luyện nhân viên bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” theo hướng người đi trước dẫn người đi sau. Đưa ra tình huống xử lý đòi nợ khi gặp khách hàng chống trả, tấn công, yêu cầu nhân viên không bỏ chạy, không dùng vũ lực mà tìm cách chuyển hóa tiền vay của khách hàng quá hạn bằng cách tố cáo với cơ quan công an dưới dạng “đơn vu khống”, “đơn lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “đơn trình báo”…; hướng dẫn cách xử lý khai báo với cơ quan công an; sử dụng hàng trăm tài khoản khác nhau tại nhiều ngân hàng thuận lợi cho khách hàng nộp lãi, cũng là chia nhỏ rủi ro khi bị phát hiện…

Mặc dù quy chế của công ty hoạt động không dùng bạo lực để đòi nợ, nhưng thực tế thì khác, việc sử dụng cách thức đe dọa bạo lực, gây rối, cưỡng chế thu hồi nợ thường xuyên diễn ra như trường hợp ông: Trần Văn K. ở thành phố Cà Mau vay 3 gói, do chậm nộp tiền bị 2 đối tượng của Công ty tài chính Nam Long Thắng và Phong đến nhà đe dọa. Chị Triệu Thị D. ở Cao Lộc, Lạng Sơn sau khi trả lãi và gốc lần thứ 3 còn thiếu 10 triệu đồng, Công ty Nam Long đã cử 11 người xiết nợ, bắt đi 21 con lợn, 21 con dê…

Thống kê 23/70 tài khoản ngân hàng Công ty Nam Long có số tiền giao dịch lên tới trên 500 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng vay lãi nặng tại 63 tỉnh, thành

Hiện công an Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Ngọc Hưng

Theo Giadinh.net.vn