'Ăn bớt, làm tắt'

Ngày 29/8, trao đổi trên tờ VnExpress, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không cho biết, việc xe băng chuyền đụng máy bay A330 của China Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 27/8 đã uy hiếp an toàn khai thác sân bay nghiêm trọng, máy bay phải dừng hoạt động để sửa chữa.

Các chuyên gia của Cục Hàng không đang kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và sẽ có kết quả sớm.

Đề cập trách nhiệm đền bù thiệt hại cho China Airlines, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, trách nhiệm chính bồi thường thiệt hại thuộc về Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS) - đơn vị quản lý người và phương tiện; phía bảo hiểm cũng sẽ bồi thường theo các hợp đồng đã ký kết với hãng hàng không.

Ngày 28/8, cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về hàng không tại khu vực phía Nam là Cảng vụ Hàng không miền Nam đã tổ chức cuộc họp bình giảng rút kinh nghiệm về sự cố đối với Vietnam Airlines - Chi nhánh Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS), Phòng An toàn và kiểm soát chất lượng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong cuộc họp này, Hãng hàng không CI xin vắng mặt vì đêm 27/8 phục vụ chuyển tiếp chuyến bay sau sự cố.

Trong báo cáo sự cố mới nhất vừa gửi Cục Hàng không Việt Nam, diễn biến của sự việc được thông tin cụ thể và nhiều tình tiết mới đã được Cảng vụ Hàng không miền Nam đưa ra.

Nguyên nhân xảy ra vụ đâm va với máy bay China Airlines ngày 27/8 là do tài xế lái xe chở hành lý đạp nhầm chân ga

Nguyên nhân xảy ra vụ đâm va với máy bay China Airlines ngày 27/8 là do tài xế lái xe chở hành lý đạp nhầm chân ga. Ảnh minh họa.

Theo đó, lúc 10h40 ngày 27/8, tại bến đậu tàu bay số 18, ông Trương Văn Toản điều khiển xe băng chuyền mang biển số SGN 21005 trong quá trình tiếp cận máy bay Airbus 330-300 đã va quệt vào phần dưới bụng hầm hàng số 5.

Ghi nhận các hình ảnh dấu vết va chạm trên tàu bay A330/BI8312 và trên xe SGN 21005 cho thấy, kích thước vết lõm trên bụng máy bay kéo dài 1.3m, rộng 0.6m và 3 rivê nối tấm kim loại ở bụng tàu bay bị bung ra.

Cơ quan có trách nhiệm đã kiểm tra đánh giá tình trạng kỹ thuật của xe băng chuyền SGN 21005 cho thấy khả năng di chuyển, thắng, hệ thống nâng, hệ thống lái, hệ thống dừng khẩn cấp, các thiết bị phụ trợ gồm chèn và bình cứu hỏa, phiếu kiểm tra tình trạng kỹ thuật trước khi đưa vào khai thác... đảm bảo khai thác.

Trong ngày 27/8, sức khỏe của lái xe Toản bình thường, không bị áp lực công việc do biết trước kế hoạch khai thác và phục vụ chuyến bay CI782, kết quả kiểm tra cũng ghi nhận không có nồng độ cồn trong hơi thở.

Trước đó, ông Toản thực hiện ca 4h-2h và phục vụ được 3 chuyến bay: CX772 (6h19), JL079-750 (8h35), TG550-551 (9h59), trong giữa thời gian chờ phục vụ chuyến TG550-551 ông Toản cùng anh em có giờ nghỉ ngơi, ăn ca. Khi phục vụ CI 781/782 (10h22) thì sự cố xảy ra.

“Nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên là hoàn toàn do lỗi cá nhân của ông Trương Văn Toản. Lái xe này đã điều khiển xe băng chuyền SGN 21005 tiếp cận máy bay lần thứ 2 không tuân thủ đúng theo quy trình xe băng chuyền tiếp cận máy bay. Ông Toản đã làm tắt các bước để tiếp cận vào máy bay trước khi ông Nguyễn Công Bằng vào vị trí đánh tín hiệu tiếp cận.

Sau khi thả phanh tay, ông Toản đã đạp nhầm chân ga thay vì chân thắng do bất cẩn làm cho xe băng chuyền SGN 21005 chồm lên chui qua bụng máy bay, góc phải mui chắn mưa của xe băng chuyền va chạm phần dưới bụng hầm hàng 5" - lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam khẳng định.

Liên quan đến sự cố nói trên, TIAGS đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Trương Văn Toản 15 ngày để phục vụ công tác điều tra và giải quyết sự cố. Hiện TIAGS đang phối hợp tốt với Hãng CI để phục vụ chuyến bay và giải quyết hậu quả.

Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết sẽ xem xét xử lý hành vi vi phạm của ông Trương Văn Toản theo quy định.

Hệ lụy của sự thiếu chuyên nghiệp

Dưới góc độ chuyên gia hàng không, trên Báo Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng: “Qua nhiều sự cố, đặc biệt với trường hợp va chạm hy hữu này cho thấy hệ lụy của hệ thống quản lý hàng không kém, phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, cầu thả".

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, hư hại máy bay của China Airlines phải có đánh giá cụ thể nhưng chắc chắn việc hãng phải hủy chuyến bay và cử đội ngũ kỹ thuật sang Tân Sơn Nhất để kiểm tra chứng tỏ va chạm mạnh.

“Việc va chạm không chỉ ảnh hưởng mặt ngoài, nếu va chạm mạnh sẽ tác động kết cấu trong hầm hàng máy bay”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.

Phân tích rõ hơn, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, sự cố thể hiện sự bất cẩn của tài xế điều khiển xe băng chuyền bởi trong sân bay, đường di chuyển các phương tiện được kẻ vẽ rất rõ ràng.

“Việc xe băng chuyền chở hành lý va chạm hầm hàng máy bay China Airlines cho thấy, có thể người điều khiển xe băng chuyền chạy quá nhanh, khi đến gần máy bay đã không kịp phanh để chuyển hướng dẫn đến va chạm”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt giả thiết.

Từ bất cẩn của lái xe băng chuyền, ở góc nhìn rộng hơn PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng những sự cố liên quan đến công ty vận chuyển mặt đất đang làm ảnh hưởng xấu hình ảnh hàng không Việt Nam.

“Sau những thông tin hành khách bị mất trộm đồ trong hành lý ký gửi, nhân viên sân bay bị bắt vì hành vi trộm cắp... thì việc xe băng chuyền va chạm với máy bay sẽ ảnh hưởng đến tâm lý hành khách. Những sự cố kể trên bắt nguồn từ hệ thống quản lý chưa chuyên nghiệp, chưa đồng bộ trong đó có vấn đề đào tạo nguồn nhân sự", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

Theo ông Tống dù có xây dựng thêm sân bay, mở rộng thêm đường băng nhưng nếu những yếu kém trên vẫn tồn tại cũng không nâng tầm của hãng không Việt Nam lên được.

Xe băng chuyền gây ra vụ va chạm với máy bay China Airlines thuộc Xí nghiệp Thương mại Mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS). Đây là Công ty con của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. TIAGS được thành lập năm 1993, là doanh nghiệp dẫn đầu trong thị trường Dịch vụ mặt đất tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất./.

Quý Dương (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online