Biến tướng khó lường

VOV cho hay, hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp tại tỉnh Kon Tum đang nở rộ với 20 doanh nghiệp và trên 4.100 người tham gia.

Để bán được hàng, không ít doanh nghiệp sử dụng nhiều chiêu trò, như lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo. Kiểu kinh doanh bán hàng đa cấp biến tướng này đang gây xáo trộn nhiều làng quê ở Kon Tum và nếu không được ngăn chặn kịp thời hậu quả sẽ rất khó lường.

Sức hút từ việc mua hàng được thưởng, mua càng nhiều điểm tích lũy càng cao lãi sẽ càng lớn, rồi còn có cả “chức tước” đi kèm đang cuốn nhiều người dân Kon Tum vào vòng xoáy bán hàng đa cấp.

Lóa mắt trước ảo tưởng làm giàu, không ít người đã bòn vét tài sản gia đình để mua mỹ phẩm, hàng trang sức, bếp từ, nồi cơm điện, máy ôzôn… đắt gấp hàng chục lần so với giá thị trường để trở thành chuyên viên kinh doanh.

Được biết, để kêu gọi người dân tham gia, các công ty này đã đưa ra những lời hứa hẹn với mức lãi suất cao, hơn hẳn gửi tiết kiệm ngân hàng, như nếu góp 1 triệu thì có thể hưởng lãi tới 2 hay 3 triệu đồng, chưa kể có thêm thù lao, có chương trình chăm sóc sức khỏe và có lấy hàng.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng tham gia mà không nhận được bất kỳ một chương trình gì, người dân mới làm đơn trình báo, nhờ chính quyền can thiệp để mong lấy lại tiền.

Để bán được hàng, không ít doanh nghiệp sử dụng nhiều chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí có biểu hiện của hành vi lừa đảo.

Trao đổi với PV, ông Võ Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum khẳng định: Biến tướng thứ nhất là “thổi” giá cả và chất lượng, cung cấp thông tin sai tính chất và công dụng hàng hóa. Thứ hai là bắt mua hàng nhưng lại trên danh nghĩa tự nguyện thông qua đơn mua hàng hoặc đơn đặt hàng.

Ngoài ra, ông Sơn cho biết, còn có những biểu hiện như môi giới, dụ dỗ, lôi kéo. Người trước dụ dỗ lôi kéo người sau, rồi người sau lại tiếp tục lôi kéo như thế.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắc Hà, bày tỏ lo lắng khi địa phương có 7 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp với hơn 500 người tham gia. “Người tham gia có giáo viên, cán bộ công chức, người về hưu... Sợ nhất là người ta lấy bìa đỏ vay tiền ngân hàng rồi bỏ vào đấy là chết,” ông Trung nói.

Thực tế cho thấy hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp ở tỉnh Kon Tum có những biến tướng với nhiều chiêu trò khó lường.

Tại xã đặc biệt khó khăn Đắc Pxi, huyện Đắc Hà, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc thiểu số Sê đăng, người của cơ sở Thiên Ngọc VIII có địa chỉ ở 521 đường Hùng Vương, thị trấn Đắc Hà thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã đến tận làng Long Đuân dụ dỗ lôi kéo người dân nộp tiền để được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lấy lãi suất cao.

Cơ sở Thiên Ngọc VIII thuê ở thị trấn Đắc Hà làm nơi giao dịch

Dân nghèo nơm nớp lo mất tiền

Đáng chú ý là khi người dân giao tiền, Thiên Ngọc VIII không hề viết hóa đơn hay giấy biên nhận. Khi Ban nhân dân thôn và chính quyền xã Đắc Pxi phát hiện sự việc đã có 8 hộ mang trên 600 triệu đồng nộp cho cơ sở này.

Trong hơn 600 triệu đồng mà 8 hộ dân làng Long Đuân nộp cho Thiên Ngọc VIII, có 3 người nộp nhiều là ông A Tik 248 triệu, A Anh 135 triệu và A Sét 60 triệu. Đây đều là tiền nhà máy thủy điện đền bù cho diện tích đất và hoa màu bị ngập. 

VietnamPlus tìm hiểu thêm, trước khi nhận được tiền đền bù từ dự án thủy điện, nhà anh A Tik, một hộ nghèo ở làng Long Zôn, xã Đăk Pxi, nhân viên Công ty Thiên Ngọc VIII đã đến nhà động viên anh tham gia vào công ty. Để tạo niềm tin, người của công ty đã mời anh qua tỉnh Đắk Lắk để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm...

Tại đây, anh A Tik được thưởng 35 triệu đồng gọi là tiền thù lao, dù trước đó anh chưa đóng góp và chưa biết gì về công ty này. Sau chuyến giao lưu, gia đình anh được đền bù 500 triệu đồng, đây là tiền đền bù rẫy càphê mà nhà anh nhường đất để làm thủy điện.

Với số tiền trên, anh đã xây một căn nhà nhỏ cho gia đình. Trong khi gia đình anh đang làm nhà thì người Công ty Thiên Ngọc VIII tiếp tục tiếp cận anh A Tik và kèm theo lời hứa mang lại thu nhập cao nếu góp vốn cùng công ty.

Tin lời hứa lãi suất cao, cộng thêm 35 triệu đồng ứng trước đã làm anh A Tik xiêu lòng. Anh A Tik đã lấy số tiền còn lại sau khi xây nhà là 248 triệu đồng để góp vào công ty.

“Họ nói gửi ngân hàng lãi thấp, nếu đưa vốn vào công ty thì nhanh nhất 1 năm, chậm nhất là 2 năm thì số tiền sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba số đó. Tiền lãi bao nhiêu thì mình không biết,” anh A Tik cho biết. Điều đặc biệt, khi giao số tiền trên, anh không có giấy biên nhận từ phía công ty.

Ngoài anh A Tik, gia đình anh A Anh ở làng Long Zôn, xã Đăk Pxi cũng được Công ty Thiên Ngọc VIII gõ cửa góp vốn. Tin theo lời hứa lãi suất cao, anh A Anh đã góp gần 200 triệu đồng cho công ty. Và cũng như anh A Tik, anh A Anh cũng không nhận được bất kỳ giấy biên nhận nào từ công ty.

Số tiền đền bù anh đã nộp vào công ty và làm nhà, mua rẫy... chẳng còn là bao. Trong lúc chờ lãi cao từ Công ty Thiên Ngọc VIII thì 11 miệng ăn nhà anh A Anh đang phải gồng mình sống qua ngày.

Điều đáng nói là việc người của công ty đa cấp về làng huy động người dân góp vốn nhưng chính quyền địa phương lại không hề biết.

Anh A Un - Phó trưởng thôn Long Đuân, xã Đăk Pxi cho biết​ khi biết người dân nhận tiền đền bù thì người công ty trực tiếp đến tuyên truyền. Anh cứ nghĩ đó là người của ngân hàng, sau này mới biết là tư nhân. Họ tuyên truyền người dân gửi tiền, sau 2-3 năm sẽ thanh toán cho người dân, lúc đó số tiền sẽ gấp 2-3 lần. Tiền càng lớn thì lợi nhuận càng nhiều, người dân thấy vậy cho nên góp vốn.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Hà, toàn huyện có 11 người nộp tiền vào Công ty Thiên Ngọc VIII với tổng số tiền trên 580 triệu đồng, trong đó riêng làng Long Đuân có tới 8 người. Ngoài anh A Tik và A Anh thì trong làng còn có anh A Giang nộp 23 triệu đồng, anh A Sét 60 triệu đồng...

Vợ chồng A Anh không chắc lấy lại được 135 triệu đồng

Tất cả các hộ góp vốn cho công ty đều là hộ nghèo, vừa nhận được nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện đã bị người của Công ty Thiên Ngọc VIII kinh doanh đa cấp tiếp cận, mời gọi góp vốn với lời hứa mang lại lợi nhuận cao.

Trong khi đội quân bán hàng đa cấp ở tỉnh Kon Tum ngày càng đông, hiện tới 20 doanh nghiệp với trên 4.100 người tham gia thì công tác quản lý của ngành chức năng lại đang rất bị động.

Thời gian dài vừa qua, hàng đa cấp tha hồ "làm mưa làm gió" ở khu vực nông thôn nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những chiếc quần lót, nồi cơm điện được bán cho người dân với giá từ 5 triệu đến hơn 10 triệu đồng không thể được coi là hoạt động thương mại bình thường.

Ông Võ Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở công thương tỉnh Kon Tum khẳng định, có biểu hiện dụ dỗ, lôi kéo người mua, thông tin sai tính chất công dụng hàng hóa, “thổi giá”, “thổi chất lượng”… trong hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp tại địa phương, song chưa thể xử lý.

“Hiện nay chỉ mới xử phạt được các hành vi chủ yếu là về hợp đồng ký kết không ghi rõ địa chỉ, tổ chức Hội thảo không xin phép, cấp thẻ thành viên không đúng quy định. Còn những hành vi bị cấm thì có đấy nhưng chưa có đủ bằng chứng để kết luận người ta vi phạm nên chưa xử lý được,” ông Sơn cho hay.

Là loại hình kinh doanh hiện đại với những ưu thế nhất định, song việc kinh doanh bán hàng đa cấp ở tỉnh Kon Tum đang bị không ít doanh nghiệp lợi dụng với nhiều biến tướng để thu lợi bất chính.

Kiểu kinh doanh mà người bán, kẻ mua không quan tâm tới hàng hóa, chỉ mong dụ dỗ, lôi kéo được nhiều người tham gia vào hệ thống để hưởng hoa hồng và ăn chia lợi nhuận nếu không được ngăn chặn kịp thời chắc chắn sẽ để lại những hậu quả rất khó lường.

 

Theo Ngân Chi (Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam