Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với địa phương tổ chức xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Theo báo cáo của Cục Thú y cho biết hiện nay Việt Nam đã có 08 ổ dịch tả lợn châu Phi, trong đó huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình giáp ranh với tỉnh Hà Nam, và tiếp theo là tỉnh Hà Nam thông qua các hoạt động vận chuyển buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc.

dich ta lon chau phi da xuat hien o ha nam
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở Hà Nam.

Trước đó, khi nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Hà Nam, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 26/2/2019, Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nam đã tập trung triển khai kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi tới các huyện, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam triển khai cụ thể các giải pháp phòng chống dịch tả châu Phi trên địa bàn tỉnh

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Biểu hiện gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc phải vì chưa có thuốc điều trị. Tuy nhiên bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn, không gây bệnh cho các loài động vật khác cũng như không lây sang người. Bệnh chủ yếu lây trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khoẻ mạnh, gián tiếp qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút.

Khi có dịch, người chăn nuôi không nên hoang mang giấu dịch hoặc bán chạy đàn, cần thông báo ngay với địa phương hoặc cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời. Tỉnh hỗ trợ tài chính cho người nuôi có lợn buộc phải tiêu huỷ theo Quyết định số 130/QĐ -UBND ngày 17/01/2019.

Tỉnh đã chỉ đạo phải chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với dịch tả lợn châu Phi với mục tiêu: Giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả này vào địa bàn tỉnh Hà Nam thông qua kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán; Giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn và xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do phải tiêu huỷ lợn, giữ ổn định tốc độ phát triển chăn nuôi.

Tùng Linh

Theo tbck.vn