Thu nhiều hay ít? 

Trong QĐ số 29/2015/QĐ-UBND, ngày 23-7-2015 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc quy định mức giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TP. Sóc Trăng giai đoạn 2015 - 2016, ghi rõ: “Đối tượng áp dụng (thu tiền dịch vụ thoát nước thải) như sau: “Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thu tiền dịch vụ thoát nước và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có xả nước thải vào hệ thống thoát nước tập trung trên địa bàn TP. Sóc Trăng”

Cũng cần nói thêm rằng, do đây là dự án ODA và theo cam kết nên khi đi vào vận hành phải có thu phí để từng bước bù đắp chi phí vận hành.

Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thuộc đối tượng áp dụng thu tiền dịch vụ thoát nước thải không phải là toàn bộ số hộ có kết nối đồng hồ nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng, mà chỉ những hộ có xả thải vào hệ thống thoát nước tập trung mới phải đóng thêm khoản dịch vụ thoát nước thải. 

Hệ thống thoát nước thải của TP. Sóc Trăng

Hệ thống thoát nước thải của TP. Sóc Trăng. 

Ông Lâm Hữu Tùng - Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Sóc Trăng cho biết: “Với việc quy định đối tượng áp dụng thu phí dịch vụ nước thải trên, không thể lấy tổng lượng nước sử dụng trong hộ dân để so sánh với công suất xử lý của Nhà máy và cho rằng nhà máy thu nhiều, nhưng xử lý ít.

Thực tế  trong năm 2015, tổng số hộ thu phí dịch vụ nước thải chỉ chiếm khoảng 1/3 số hộ có đấu nối sử dụng nước sạch của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng”. 

Điều này có thể được chứng minh qua các số liệu của năm 2015 do Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Sóc Trăng cung cấp: “Tổng thu phí thoát nước thải là trên 6,9 tỷ đồng (đã trừ 5% chi phí tổ chức thu) của 12.770 hộ, gồm: 12.081 hộ dân, 234 cơ quan, 367 hộ kinh doanh và 88 cơ sở sản xuất, trong khi tổng chi phí công tác thoát nước của thành phố 18,7 tỷ đồng”. 

Trong khi đó, theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng thì tổng số khách hàng của công ty đến thời điểm hiện nay lên đến 37.565 hộ.

Như vậy, tổng số hộ thu phí dịch vụ nước thải chưa đến 1/3 số hộ có đấu nối sử dụng nước sạch từ Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng. 

Do lượng tiếp nhận đấu nối hàng năm chỉ vài hộ (chủ yếu là khảo sát, rà soát bổ sung thu) nên trong kế hoạch năm 2016, công ty vẫn giữ nguyên số hộ thu bình quân của năm 2015, vì vậy không thể nói số hộ thu phí dịch vụ nước thải 6 tháng đầu năm cao, vượt công suất xử lý của nhà máy được.

Điều này được thể hiện qua tổng thu phí nước thải 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn thành phố chỉ mới đạt 4,7 tỷ đồng. 

Trong khi tổng chi phí thực hiện 6 tháng đầu năm là 9,1 tỷ đồng, Nhưng công ty chỉ được thanh toán từ đầu năm đến nay số tiền là 6,1 tỷ đồng (khối lượng thực hiện không được thanh toán đủ do bị cắt giảm kinh phí từ đầu năm). 

Ông Tùng cũng cho biết thêm: “Chỉ trừ một vài thời điểm trong năm có mưa nhiều, kéo dài, lượng nước thải về nhà máy xử lý mới vượt công suất vài ngàn mét khối, còn lại hầu hết đều dưới công suất của nhà máy”. 

Nguồn thu sử dụng vào đâu? 

Theo định nghĩa tại khoản 11, phụ lục 1 của hợp đồng số 01//HĐ-TN.2014, ngày 7-3-2014 về quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Sóc Trăng: “Chủ sở hữu hệ thống thoát nước là UBND tỉnh Sóc Trăng”. 

Còn theo khoản 6, Điều 1 của quyết định trên, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại toàn bộ cho chủ sở hữu công trình thoát nước quản lý và sử dụng cho các mục đích: Chi trả cho hợp đồng quản lý vận hành; chi trả cho dịch vụ thu tiền thoát nước bằng 5% trên số thu thực tế; đầu tư duy trì và phát triển hệ thống thoát nước.

Như vậy, về danh nghĩa, toàn bộ số nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải do UBND tỉnh quản lý để sử dụng cho các mục đích như Quyết định số 29 nói trên. 

Dự án thoát nước thải TP Sóc Trăng là dự án ODA và theo cam kết, khi đi vào vận hành, phải có thu phí để từng bước bù đắp chi phí vận hành. 

Tại Điều 2, Quyết định số 391/QĐ-UBND, ngày 25-2-2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự toán kinh phí đặt hàng dịch vụ công ích đô thị năm 2016 trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, nêu rõ: “Giao UBND thành phố Sóc Trăng tổ chức ký hợp đồng đặt hàng với đơn vị cung ứng dịch vụ công ích (Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Sóc Trăng-PV); đồng thời, chịu trách nhiệm nghiệm thu và thanh toán dịch vụ công ích theo đúng quy định. 

Kết thúc năm 2016, báo cáo kết quả thực hiện (trong đó nêu cụ thể về khối lượng, tổng số hộ dân thuộc diện phải thu phí, số hộ được miễn, giảm theo chế độ quy định; tổng số tiền phí phải thu và số tiền thu được thực tế trong năm… 

Đây là nhiệm vụ của địa phương, vì vậy đề nghị tổ chức thu đúng, thu đủ để giảm bù chi ngân sách nhà nước), gửi Sở Tài chính phối hợp Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh”. 

Với nội dung quyết định trên, theo ông Lâm Hữu Tùng, để đơn giản hóa công tác thu chi, toàn bộ nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải do Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng thu được sẽ chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Sóc Trăng, sau khi trừ 5% phí tổ chức thu của Công ty cấp nước cuối năm, Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Sóc Trăng sẽ quyết toán theo hợp đồng đặt hàng duy tu, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Sóc Trăng hàng năm. 

Với sự chặt chẽ trong chỉ đạo thực hiện, quản lý, sử dụng nguồn thu như trên, có thể nói, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải không thể sử dụng vào mục đích khác.

Hơn nữa, trong quá trình tổ chức thực hiện, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cá Ngành chức năng từ khâu tổ chức khảo sát, lập dự toán triển khai thực hiện đều có xác nhận nghiệm thu thanh toán, mở sổ nhật ký công việc... 

Hàng năm, kinh phí nhà nước đều phải cấp bù cho công tác này cũng cho thấy, việc thu phí dịch vụ thoát nước thải vẫn chưa đủ để đảm bảo cho công tác duy tu, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Sóc Trăng./. 

Theo Bích Ngọc/Gia đình Việt Nam