Thay đổi bức tranh kinh tế thị trường

Năm 2014, khi 2 ông lớn ngành vận tải thế giới đặt chân vào Việt nam thì người Việt bắt đầu quen với suy nghĩ gọi xe để đi lại nhiều hơn.

Theo số liệu của Nielsen, 68% người dùng Việt sử dụng Grab thường xuyên, 76% sẵn sàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ chia sẻ. Grab và Uber với dịch vụ gọi xe – hình thức phổ biến nhất của kinh tế chia sẻ - đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong thói quen và nhận thức của người dùng, đồng thời, thay đổi phương thức kinh doanh của những công ty truyền thống.

Chỉ 1 năm sau khi Grab và Uber gia nhập thị trường, một số hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Thế kỷ mới, Taxi Group… cũng  đã ra mắt các ứng dụng gọi xe riêng. Hàng loạt các startup ra đời dựa trên việc tận dụng nguồn lực sẵn có, sử dụng nền tảng trực tuyến và big data để kết nối chủ sở hữu với người cần sử dụng.

 

Đối với Uber và Grab, không chỉ dừng lại ở ứng dụng gọi xe mà hai hãng này còn phát triển thêm nhiều ứng dụng phục vụ cuộc sống. Uber trở thành một khái niệm thay cho kinh tế chia sẻ, như “dịch vụ tìm người giúp việc kiểu Uber” của JupViec.vn, hay “nền tảng du lịch trực tuyến kiểu Grab” như Luxstay.com.

Còn Grab thêm các dịch vụ giao nhận hàng hóa với GrabExpress, gọi món ăn với GrabFood, cùng công nghệ thanh toán trực tuyến GrabPay by Moca…

Trong đó, với việc GrabFood ra mắt tại TP.HCM từ tháng 5/2018 và chính thức tấn công thị trường Hà Nội vào đầu tháng 10, Grab chính là nhân tố quan trọng thay đổi cục diện của nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam: từ cuộc đua ứng dụng gọi xe sang cuộc chiến gọi món trực tuyến.

Người hiểu chuyện luôn chiến thắng

Lấy một minh chứng cho việc hiểu khách hàng với câu chuyện của FoodPanda. Vào thị trường năm 2012, đến năm 2014, FoodPanda Việt Nam có số lượng đơn hàng tăng 800%, triển khai tại 5 thành phố lớn và liên kết với hơn 1.000 nhà hàng. Chỉ một năm sau đó, gã khổng lồ này gặp khó khăn và phải bán mình cho Vietnammm.com. Nguyên nhân FoodPanda “ngã ngựa” là tham vọng quá lớn của Rocket Internet khi vừa là nền tảng listing món ăn, vừa đảm nhận luôn khâu giao hàng, khiến số lượng nhân viên và chi phí vận hành trở thành gánh nặng.

Ngoài ra, việc không lường trước hết những thách thức như: phải đảm bảo món ăn nóng hổi từ nhà hàng đến tay người dùng, lượng đặt hàng tăng đột biến trong vài thời điểm trong ngày, nhân sự lại dư thừa ở những thời điểm còn lại… đã khiến những cái tên tiên phong trong lĩnh vực chào thua.

Lộ trình chắc chắn và hợp lý, Grab đưa ra những bước đi vững vàng với những chiến lược tốt. Do vậy mà những ứng dụng mới đưa ra của Grab luôn được đón nhận, đó là ứng dịch vụ giao hàng GrabExpress, rồi dịch vụ GrabFood cũng khá thành công khi tháng 8/2018, số lượng đối tác kinh doanh của GrabFood tăng 70%, số lượng đơn hàng tăng 2-3 lần tính đến tháng 9 (tại TP.HCM).

Grab thành công ở chỗ, tận dụng luôn được cả 175.000 đối tác tài xế GrabBike để làm đội ngũ giao nhận của GrabExpress lẫn GrabFood, giải quyết được vấn đề vừa thừa vừa thiếu nhân sự, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có. Không chỉ vậy, thu nhập đối tác tài xế GrabBike trong khu vực TP.HCM và Hà Nội được cải thiện, đối tác quán ăn, nhà hàng có thêm phương tiện để tiếp cận đến khách hàng tiềm năng. GrabFood còn vươn sức mạnh đến 6 quốc gia Đông Nam Á, đe doạ bất cứ đối thủ lâu năm hay mới nổi nào trong lĩnh vực này.

Với chiến lược này, Grab hướng đến mục tiêu trở thành siêu ứng dụng để người dùng có thể giải quyết những nhu cầu cơ bản nhất hàng ngày trên một nền tảng, khiến trải nghiệm được liền mạch.

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD, dự báo sẽ đạt 38 triệu USD vào năm 2020. Nếu cách đây 4 năm, nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam là cuộc cạnh tranh khốc liệt của dịch vụ chia sẻ xe thì hiện nay là cuộc chiến trong lĩnh vực gọi món ăn. Trong cuộc đua ấy, ai đáp ứng được yêu cầu của thị trường, giải quyết được những vấn đề của người dùng, tận dụng hiệu quả tài nguyên của chính mình sẽ chiến thắng.

Theo Mộc My/Đô Thị Mới