Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo và đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị về phía Trung ương có các đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ; các thành viên trong đoàn kiểm tra. Về phía Hà Nội có đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự UBND Thành phố, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và quận, huyện.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đã trình bày báo cáo kết quả 5 năm triển khai, thực hiện nghị quyết 33-NQ/TW (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa của Hà Nội rất hệ trọng, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội; quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa… Thành ủy Hà Nội luôn xác định không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, có một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, con người.

Quán triệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW chính là sự tiếp nối trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là vai trò và vị thế văn hóa của Hà Nội đòi hỏi phải thực sự tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả rõ rệt Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”.

ha noi di dau trong phat trien van hoa con nguoi viet nam
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo cũng đánh giá một số kết quả nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong việc thực hiện NQ số 33. Trong đó, giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô và con người Hà Nội với bạn bè quốc tế. Công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp.

Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng tham gia, bước đầu hình thành nhiều mô hình về văn hóa và thể thao ở cơ sở. Thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh bước đầu đạt hiệu quả (Xây dựng 02 Quy tắc ứng xử, đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” trong nhà trường...). Việc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình hiện nay được Thành phố thực hiện bài bản, chặt chẽ và đồng bộ từ Thành phố tới cơ sở.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ một số kết quả nổi bật cũng như những tồn tại trong việc thực hiện Nghị quyết 33. Các đại biểu nêu một số kiến nghị, Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là chương trình xây dựng công nghiệp văn hóa; việc tuyên truyền cần thực hiện nghiêm túc, bài bản. Đồng thời, đề nghị Thủ đô cũng làm rõ hơn một số nội dung về việc: Thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, huy động nguồn lực trong việc tôn tạo di tích; công tác huy động hội nhập quốc tế, xây dựng văn hóa người Hà Nội thông qua hoạt động đối ngoại; vai trò của hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tác động đến xây dựng văn hóa người Hà Nội; sự phối hợp giữa giáo dục và văn hóa trong xây dựng con người Hà Nội; việc xây dựng các thiết chế văn hóa cần phù hợp theo từng khu vực để đạt hiệu quả...

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị tích cực, chu đáo nội dung, tham luận đóng góp, chỉ ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Đồng chí đánh giá, Thành phố đã ban hành và triển khai nhiều đề án, chương trình, Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tố chức lễ hội,... tiếp tục xứng đáng là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam.

Để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 33-NQ/TW trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Thành ủy Hà Nội cần quan tâm thực hiện tốt các nội dung: Tập trung chỉ đạo công tác sơ kết Nghị quyết 33-NQ/TW; đánh giá cụ thể, nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục một số tồn tại, yếu kém đã được chỉ ra qua đợt kiểm tra; hoàn thiện báo cáo sơ kết, tổ chức tốt Hội nghị sơ kết; Tiếp tục lãnh đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết, tổ chức có hiệu quả, bám sát các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết; tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương, giữa các ngành, các cấp, xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; chú trọng vào những vấn đề xã hội đang bức xúc như vấn đề con người, đạo đức xã hội, đạo đức trong gia đình, đạo đức trong nhà trường... 

Thay mặt Thành ủy Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. Vì vậy, Thành ủy Hà Nội quán triệt ban hành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả rõ rệt Chương trình số 04 về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”.

Tiếp thu các ý kiến của đoàn kiểm tra, Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị liên quan bổ sung, hoàn thiện, cũng như xây dựng mới các văn bản chỉ đạo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trung ương, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô xứng đáng với sứ mệnh lịch sử và vai trò tiêu biểu cho cả nước, đúng với mục tiêu để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

KH

 

Theo phapluatxahoi.vn