Bãi rác thải sinh hoạt tự phát trên đường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm. Ảnh: Bảo Loan

Bãi rác thải sinh hoạt tự phát trên đường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm. Ảnh: Bảo Loan.

Vô tư xả rác, phóng uế mọi lúc, mọi nơi

Theo quy định, hành vi vứt rác thải, tiểu tiện… tại khu chung cư, khu thương mại - dịch vụ, nơi công cộng… bị cảnh báo, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 7.000.000 đồng tuỳ theo mức độ vi phạm. Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Có hiệu lực từ tháng 2/2017, Nghị định 155 được kỳ vọng là chế tài xử phạt nghiêm khắc trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm áp dụng Nghị định trên vào cuộc sống, nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội dường như vẫn thờ ơ và không chấp hành.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Phiên (65 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết: “Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nơi đông người hay tự ý khạc nhổ là những việc làm cực kỳ xấu. Tôi chứng kiến nhiều người trẻ mua vài que kem ra vỉa hè vừa ăn vừa tám chuyện, kem thì họ ăn, còn bao bì thì thản nhiên thả rơi ngay dưới chân”.

Tương tự, bà Nguyễn Minh Châu (54 tuổi, ở Hoàng Mai) bức xúc: “Cạnh hồ Đền Lừ có bãi rác tự phát lộ thiên ngập ngụa rác thải sinh hoạt. Lẽ ra, hồ Đền Lừ phải trở thành lá phổi xanh của khu vực để cư dân an tâm dưỡng sinh mỗi sáng nhưng đến người đi đường cũng không chịu nổi vì sự ô nhiễm thì huống hồ người dân chúng tôi? Cư dân khu vực cũng kiến nghị nhưng cứ sau mỗi lần được dọn sạch là rác lại từ đâu được tấp về”.

Bà Đinh Thị Lan (45 tuổi, ở tổ 56 phường Yên Hoà, Cầu Giấy) cho biết: “Gần Trường tiểu học Yên Hoà có bãi rác lộ thiên, sáng nào các cháu đến trường cũng phải hứng chịu ô nhiễm, mùi hôi thối kinh khủng. Ngay cả khu tập thể nơi tôi sống, nhiều người rất vô ý thức, xả rác vô tư như chốn không người. Sự vô ý thức này không những gây mất thẩm mỹ khu vực mà còn ảnh hưởng đến cả sức khoẻ cộng đồng. Để có sự thay đổi thì tôi nghĩ là hơi khó, vì những gì đã là “thâm căn cố đế”, là “cố hủ” thì rất khó thay đổi. Chỉ có phạt thật nặng, xử thật nghiêm thì may ra…”.

Theo quan sát của chúng tôi, tại các khu vực tập trung nhiều toà nhà cho thuê làm văn phòng như: Duy Tân, Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy), Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm)… vào các buổi trưa, không khó để “bắt tận mắt” những hành vi xả rác thải bừa bãi. Rất nhiều các bãi rác nhỏ tự phát mọc lên sau mỗi buổi trưa, buổi tối gây cản trở giao thông và ô nhiễm trong khu vực, dù công nhân vệ sinh môi trường hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm.

Xử phạt cũng gặp khó dù sẵn chế tài

 Những bịch rác bị vứt trên vỉa hè phố Núi Trúc (Ba Đình) mỗi sáng.

Những bịch rác bị vứt trên vỉa hè phố Núi Trúc (Ba Đình) mỗi sáng.

Theo quy định, thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ, liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu vực. Quy định là vậy, nhưng thực tế, phần lớn người dân cho rằng hiếm khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt về mảng môi trường này. Chính vì thế, rất nhiều người thiếu ý thức vẫn vô tư xả rác sinh hoạt ra lòng đường, vỉa hè.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quỳnh Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, mặc dù chính quyền địa phương rất tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nhưng người dân vẫn... vi phạm. Nhiều tồn tại có xuất phát từ ý thức của người dân vẫn diễn ra hằng ngày ở mọi ngóc ngách như: Vứt rác không đúng nơi, đúng giờ quy định, đặc biệt vào thời điểm ngoài giờ hành chính hoặc khi không có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát. Một số điểm xả rác gây bức xúc cho nhân dân tuy đã được giải quyết nhưng chưa có biện pháp để duy trì bền vững nên vẫn tái phạm.

Nguyên nhân tiếp theo được ông Tiến chỉ ra là do địa bàn phường là lõi của phố cổ, các tuyến phố kinh doanh, dịch vụ ăn uống mọc lên dày đặc nên có căng quân ra nhắc nhở, xử lý cũng không xuể. Việc phát hiện, bắt quả tang các hành vi xả rác trộm cũng không dễ. Việc thu gom rác có lúc chưa kịp thời nên rác còn tồn trên hè, đường. Thêm vào đó, mức phạt theo Nghị định 155 của Chính phủ thuộc thẩm quyền của cấp quận, UBND phường thường xuyên phải lập biên bản, làm bản báo cáo đề xuất UBND quận ra quyết định xử phạt nên phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), trong bối cảnh vấn đề môi trường, vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là rất nhiều các vi phạm của các doanh nghiệp, người dân thì việc ra đời Nghị định 155 là kịp thời, cần thiết và đây là công cụ mạnh để siết chặt quản lý trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, để áp dụng vào cuộc sống thì khá khó khăn.

PGS.TS Lưu Đức Hải nói: “Tôi cho rằng vì có một số rào cản, trong đó có nguyên nhân do hạ tầng kỹ thuật tạo nên. Ví dụ, yêu cầu không xả rác nơi công cộng thì nơi cộng cộng phải được bố trí đầy đủ thùng rác, biển bảng chỉ dẫn. Tuy nhiên, việc bố trí các thùng rác không hợp lý nên tình trạng xả rác bừa bãi vẫn cứ tiếp tục xảy ra”.

Anh Nguyễn Minh Lăng (38 tuổi, ở Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy) cho biết: “Xử phạt các hành vi thiếu ý thức, xả rác bừa bãi chỉ như “hớt” phần ngọn. Cạnh việc tuyên truyền, xử phạt nghiêm khắc thì cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng, bố trí số lượng đủ nhà vệ sinh công cộng, thùng rác để người dân cần là có nơi vứt rác đúng quy định”.

Bảo Loan

Theo Giadinh.net.vn