Thời gian qua, có rất nhiều người nổi tiếng như Thu Minh, Đặng Thu Thảo, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh, NTK Đức Hùng,… bị nhiều cá nhân, đơn vị lợi dụng hình ảnh quảng cáo cho sản phẩm nhằm lừa đảo người tiêu dùng. Những người bị lợi dụng “dở khóc, dở cười” khi không hề biết những kẻ xấu này lợi dụng hình ảnh của mình khi nào, làm những gì… đến khi vô tình biết được hoặc có người báo mới “té ngửa” nhận ra sự thật đau lòng này.

Câu chuyện tiếp tục xảy ra khi mới đây, trên trang cá nhân của nghệ sĩ ưu tú Minh Vượng có chia sẻ về việc hình ảnh của mình bị đơn vị thuốc DK-Betics sử dụng khi chưa xin phép.

Cụ thể, nữ nghệ sĩ viết như sau: “Minh Vượng xin thông báo: Hơn 10 năm nay Vượng bị tiểu đường,do kháng thuốc viên nên Minh Vượng phải tiêm Insulin ngày 4 mũi... Nhiều năm nay, Vượng không thể uống thuốc Nam hay thuốc Bắc, thuốc viên nào và cũng không quảng cáo cho nhãn thuốc tiểu đường nào…

Nay thấy viên DK-Betics đăng báo Vượng đã uống thuốc đó mà không có sự đồng ý của Minh Vượng... Vì sức khoẻ của cộng đồng nên Minh Vượng có trách nhiệm thông báo để mọi người cẩn trọng không mua kẻo bị lừa đảo. Cảm ơn mọi người đã chú ý".

 Nghệ sĩ Minh Vượng "tố" trên Facebook cá nhân việc bị một hãng thuốc lợi dụng hình ảnh của mình để quảng cáo.

Sau đó, nữ nghệ sĩ tiếp tục đăng tải thêm thông tin lên Facebook cá nhân về việc hãng thuốc đã có trao đổi với nghệ sĩ.

Minh Vượng thông báo: Công ty Dược khoa DK PHARMA có trao đổi với Minh Vượng qua điện thoại về việc sản phẩm trị tiểu đường có sử dụng hình ảnh của Minh Vượng khi chưa được phép của tôi...

Bên công ty Dược cho rằng, có những trang mạng không chính thống đã sử dụng hình ảnh sản phẩm của công ty gắn với hình ảnh của tôi và cho đến thời điểm này họ không truy cập được vào các trang mạng đó...

Minh Vượng cho rằng nếu đây là trang mạng làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm thì tại sao bên công ty Dược khoa DK PHARMA không mời các cơ quan pháp luật vào cuộc truy tìm cho ra cá nhân hoặc công ty nào đó đã có chiêu trò quảng cáo rởm trên làm hại sức khoẻ mạng sống của bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường? Vì sức khoẻ của cộng đồng và người tiêu dùng chúng ta hãy chung tay để bảo vệ cuộc sống...”.

Nữ nghệ sĩ còn gắn link bài viết có ghép hình ảnh của mình để quảng cáo lên Facebook cho mọi người vào đọc. Bài viết này được viết trên trang suckhoephunu.site. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ “bị tố”, bài viết này đã bị gỡ xuống khỏi trang website.

Theo tìm hiểu của PV, DK – Betics là thực phẩm chức năng (không phải là thuốc) do Công ty TNHH Dược Khoa sản xuất. Đến nay, mọi người chưa rõ thực hư đơn vị thuốc DK-Betics đang đúng hay sai nhưng theo cộng đồng mạng, lợi dụng hình ảnh của nữ nghệ sĩ để trục lợi quảng cáo là điều đáng bị phanh phui và lên án.

Ngay sau khi đăng tải, bài viết của nghệ sĩ Minh Vượng đã nhận được nhiều lượt like, comment và chia sẻ của cộng đồng mạng. Các ý kiến đều ủng hộ nữ nghệ sĩ “tố” câu chuyện này lên mạng xã hội khi họ lừa dối người tiêu dùng, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để tạo lòng tin và sự uy tín nhằm trục lợi.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, sử dụng hình ảnh nghệ sĩ như vậy còn ảnh hưởng tới cả danh dự và danh tiếng của diễn viên, nhất là trong trường hợp chưa biết chất lượng sản phẩm ra sao.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Anh, giám đốc Công ty luật L&P Consulting Law Firm chia sẻ: “Trong trường hợp, đơn vị hoặc cá nhân ghép hình ảnh của nữ nghệ sĩ để quảng cáo mà chưa được sự cho phép của nghệ sĩ Minh Vượng thì họ đã vi phạm quyền hình ảnh. Đây là quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ trong Điều 32 của Bộ luật dân sự năm 2015”.

Theo ông Anh, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

“Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”, luật sư Anh nói.

Ngoài ra, từ phía người tiêu dùng, theo ông Anh, đơn vị hoặc cá nhân ghép hình ảnh của nữ nghệ sĩ để quảng cáo mà chưa có sự cho phép của chủ hình ảnh đang có hành vi lừa dối và quảng cáo sai sự thật, nhằm khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng giá trị thật của sản phẩm. Như vậy, họ vi phạm cả Luật Quảng cáo và luật Bảo vệ người tiêu dùng.

“Qua câu chuyện của nghệ sĩ Minh Vượng, người tiêu dùng và chính các diễn viên, ca sĩ… nên chú ý để tránh bị các đơn vị lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng quảng cáo nhằm trục lợi bất chính”, ông Nguyễn Sỹ Anh, Giám đốc Công ty luật L&P Consulting Law Firm nhắn nhủ.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới