Tuy nhiên, khi gói vay này kết thúc, giao dịch phân khúc NƠXH, nhà giá rẻ dường như chững lại vì “tắc” vốn. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện một gói tín dụng mới là điều cần thiết để cho nhiều người dân TNT, thu nhập trung bình của đô thị có cơ hội sở hữu nhà.

Theo thống kê, hiện Hà Nội có 48 dự án NƠXH đang triển khai. Trong đó, UBND TP đang giao cho các chủ đầu tư khẩn trương triển khai tổ chức lập quy hoạch đối với 4 khu NƠXH tập trung, đảm bảo đồng bộ về nhà ở với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu nhà ở, tại các xã: Tiên Dương (huyện Đông Anh), Cổ Bi (huyện Gia Lâm), Ngọc Hồi (Thanh Trì).

Nhiều chuyên gia BĐS, kinh tế cho rằng, phát triển nhà ở xã hội cần đi cùng với hỗ trợ tín dụng.

Nhiều chuyên gia BĐS, kinh tế cho rằng, phát triển nhà ở xã hội cần đi cùng với hỗ trợ tín dụng.

Việc phát triển khu NƠXH tập trung của thành phố trước tốc độ đô thị hóa hiện nay là hợp lý, không chỉ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, thu hút được người dân mua nhà để ở mà còn tạo điệu kiện sống văn minh cho cư dân.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng quyết định những dự án NƠXH được triển khai, thông suốt, đáp ứng nhu cầu người dân chính là nguồn vốn. Bởi, khi gói 30 nghìn tỷ đồng khép lại thì khả năng mua nhà của người TNT sẽ giảm. Nhiều người mua không khỏi hụt hẫng khi gói vay ưu đãi này dừng triển khai.

Được biết, gói hỗ trợ cho vay 2 nghìn tỷ đồng dành cho dự án thuộc phân khúc NƠXH đã được Quốc hội thông qua, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực sự triển khai và người mua nhà vẫn phải kiên nhẫn chờ với hy vọng mình có được cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mới.

Chị Nguyễn Quỳnh Dương (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cả hai vợ chồng chị đi làm công được mấy năm, tích lũy được một số tiền nhỏ, vợ chồng anh định vay thêm tiền người nhà và vay từ gói 30 nghìn tỷ đồng để mua NƠXH thì gói vay ưu đãi lại kết thúc.

Bởi vậy nên vợ chồng anh chỉ còn biết tiếp tục chờ đợi chính sách khác của Nhà nước để có thể vay tiền mua nhà giá rẻ, đặc biệt là gói vay mới 2 nghìn tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua, nhưng cũng khá hoang mang, không biết bao giờ mình mới được vay, vì chị nghe nói sẽ triển khai trong tháng 9/2017, nhưng gần cuối tháng 9 vẫn chưa có thông tin nào mới.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tình trạng mất cân đối cung cầu BĐS vẫn diễn ra trong một số phân khúc. Trong đó, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu nhiều so với nhu cầu.

Đối với gói 2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn, triển khai ngay việc cho vay trong năm nay.

Liên quan đến gói vay 2 nghìn tỷ đồng, đại diện lãnh đạo Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, công tác chuẩn bị cho việc giải ngân gói vay ưu đãi của ngân hàng đã sẵn sàng.

Ngoài việc đào tạo cán bộ cho việc thực hiện chính sách đối với gói vay, từ tháng 8/2016, ngân hàng đã ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua NƠXH; đồng thời cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà để ở.

Hiện, ngân hàng đang chờ nguồn vốn từ ngân sách cho gói vay này và sẽ thực hiện giải ngân ngay, tạo mọi điều kiện để người dân trong diện có thể tiếp cận gói vay ưu đãi này.

Nói như vậy, gói vay ưu đãi 2 nghìn tỷ đồng đã có chủ trương nhưng chưa triển khai. Điều này cũng gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà có thu nhập thấp vì nếu bây giờ doanh nghiệp vay thương mại thì giá nhà sẽ tăng cao, người thu nhập thấp sẽ không thể vay với lãi suất cao và sẽ không thể mua được nhà.

Thực tế cho thấy, một số dự án NƠXH vẫn chưa thu hút được người dân tham gia mua để ở, vì những người thực sự khó khăn không biết “trông cậy” vào nguồn vay nào phù hợp điệu kiện hoàn cảnh. Một số dự án mới mở bán gần đây trên địa bàn thành phố cũng không thực sự “đắt hàng” dù lượng cầu khá lớn, bởi lẽ người mua không đủ năng lực tài chính nếu phải vay ngân hàng theo lãi suất thông thường.

Do vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, BĐS, nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn khó có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao. Bên cạnh đó, phân khúc NƠXH, nhà giá rẻ đang có xu hướng tăng giá rõ rệt, nguyên nhân là do nguồn cung khan hiếm, chậm trễ trong triển khai chính sách hỗ trợ người TNT mua nhà.

Vì vậy, nếu không nhanh chóng sắp xếp nguồn vốn để tiến hành giải ngân, thì nhiều người TNT sẽ mất cơ hội mua được nhà tại các thành phố lớn bởi phát triển NƠXH cần đi kèm với hỗ trợ tín dụng…

 

Theo Báo Xây dựng