Nhằm làm rõ các vấn đề xung quanh thông báo việc siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam của Tập đoàn Central Group (Thái Lan), ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết Vụ đã tổ chức cuộc họp cùng với đại diện Big C và Hiệp hội dệt may Việt Nam để làm rõ sự việc trên trên tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp và hàng Việt Nam.

Nguyên nhân: Central Group thay đổi chiến lược kinh doanh

Việc Big C (Central Group) đơn phương tạm dừng việc nhập hàng của các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực may mặc đã "vấp" phải sự phản đối kịch liệt của các nhà cung cấp cũng như bùng nổ nhiều tranh cãi trái chiều xung quanh sự việc trên. 

"Ngay sau khi nắm được thông tin cũng như xác định được lý do ban đầu, trên cơ sở bảo vệ doanh nghiệp và hàng tiêu dùng Việt, chúng tôi đã mời Ban lãnh đạo của tập đoàn Central Group và Big C lên làm việc để tìm hiểu rõ, xác định nguyên nhân" - ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết.

Thư gửi đối tác của Central Group

Thư gửi đối tác của Central Group

Theo lãnh đạo Vụ, tại buổi làm việc, đại diện tập đoàn Central Group khẳng định, nguyên nhân của việc tạm ngừng nhập hàng may mặc Việt là do chiến lược kinh doanh của tập đoàn trong thời gian tới có sự thay đổi nhất định. 

"Cùng với việc thay đổi chiến lược kinh doanh, tập đoàn Central Group cũng thay đổi cơ cấu tài chính, thay đổi mặt hàng cung cấp đến người tiêu dùng theo hướng tương đối cao cấp hơn. Đấy chính là lý do phía tập đoàn phải rà soát lại các mặt hàng, đặc biệt là hàng may mặc Việt, dẫn đến việc đưa ra thông báo đột ngột ngưng nhập hàng" - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết thêm.

"Mở cửa" 50/200 doanh nghiệp

Về những thắc mắc liên quan đến việc Big C bất ngờ đơn phương dừng nhập hàng may mặc Việt là đúng hay sai theo quy định của pháp luật, được biết, đại diện Big C cho rằng, họ đều thông báo trước cho các nhà cung cấp. Tuy nhiên, với trách nhiệm của Bộ Công Thương, Vụ vẫn yêu cầu phải làm rõ dựa trên cơ sở pháp lý, rà lại hợp đồng đồng thời phải đảm bảo quyền lợi, lợi ích của cả 3 bên (người tiêu dùng, nhà cung cấp và Big C).

Trước sự việc trên, Bộ Công Thương đã yêu cầu Central Group, Big C "mở cửa" lại cho các doanh nghiệp Việt và lãnh đạo Central Group xác nhận đồng ý, bước đầu, phía Big C sẽ mở cửa lại cho 50/200 doanh nghiệp cung cấp hàng trở lại cũng như làm việc thêm với các nhà cung cấp còn lại để đưa ra các quyết định tiếp theo.

“Họ khẳng định trong 2 tuần nữa hoặc có thể ít hơn, 100 nhà cung cấp nữa tiếp tục được mở đơn hàng. Như vậy 150/200 nhà cung cấp sẽ được mở đơn hàng. Còn lại 50 nhà cung cấp của Việt Nam được tiếp tục làm việc nhưng sẽ làm kỹ hơn. Quan điểm của họ là phải làm kỹ vì nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được quy định và cam kết theo hợp đồng đã ký. Central Group khẳng định việc làm của họ tuân thủ nội dung hợp đồng đã ký với nhà cung cấp Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam" - ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Về quan điểm của Bộ Công Thương trong vụ việc này, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh việc đánh giá cao những gì nhà đầu tư nước ngoài như Central Group đã làm được như tạo việc làm, đóng góp thu ngân sách, thiết lập hệ thống bán lẻ, giúp tiêu thụ hàng nông sản, đưa hàng từ người sản xuất đến người tiêu dùng,.. thì mặt khác Bộ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của DN Việt Nam, người tiêu dùng, người dân Việt Nam.

Thay đổi thương hiệu Big C

Được biết đến là thương hiệu của tập đoàn phân phối bán lẻ Casino tại Thái Lan, Việt Nam và Lào. Được thành lập vào năm 1993 bởi công ty Central Group và mở cửa hàng đầu tiên của mình tại ngã tư Wong Sawang, Bangkok (Thái Lan). Vào cuối tháng 4/2016, Tập đoàn Thái Lan - Central Group đã công bố thương vụ M&A có giá trị lên tới 1,1 tỷ USD khi mua lại hệ thống Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino - Pháp.

Sau thương vụ thành công đó, Central Group vẫn giữ nguyên tên thương hiệu của Big C. Thế nhưng, được biết, thời gian tới, một số siêu thị Big C cũng sẽ được thay đổi thương hiệu bởi các nhãn hiệu mới để phục vụ cho chiến lược kinh doanh của tập đoàn. Central Group cho biết hướng đến mặt hàng tương đối cao cấp hơn, vẫn sử dụng hàng sản xuất tại Việt Nam nhưng mang thương hiệu Central Group để hướng đến việc xuất khẩu.

Big C đang gặp phải những phản ứng gay gắt của các nhà cung cấp và dư luận

Big C đang gặp phải những phản ứng gay gắt của các nhà cung cấp và dư luận

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ vẫn nhấn mạnh: "Trong sự việc này, việc Big C đột ngột ngưng nhập hàng của hơn 200 doanh nghiệp Việt vẫn cần phải giải quyết trước trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa Big C và các đối tác Việt Nam. Bộ Công Thương yêu cầu Big C phải tuân thủ pháp luật Việt Nam như các nội dung liên quan đến luật cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp và hàng Việt Nam".

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.

Trước đó, tối 2/7, các nhà cung cấp cho Big C bất ngờ nhận được email thông báo từ Central Group với nội dung "bắt đầu từ tháng 7 tạm ngưng không nhận hàng để Central Group củng cố, thay đổi chiến lược" nên "cần có thời gian sắp xếp lại". Central Group có 4.000 nhà cung cấp ở Việt Nam đang cung cấp hàng ở các lĩnh vực, trong đó 200 nhà cung cấp hàng dệt may. Thông báo trên đang vướng phải những phản ứng gay gắt của các nhà cung cấp, nhiều tranh cãi trái chiều của dư luận.

Hiện, Chính phủ và Bộ Công Thương đã vào cuộc để làm rõ sự việc trên, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp và hàng Việt Nam.

Theo Trúc An/Đô thị mới