Cảnh tượng, triệu người đổ xô kéo nhau đi khai báo thông tin khiến các cổng thông tin, điểm giao dịch trong tình trạng nghẽn trầm trọng có thể sẽ xảy ra nếu như quy định yêu cầu người dùng ví điện tử phải khai báo thông tin cá nhân được thông qua.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 về trung gian thanh toán, nếu quy định này được ban hành, những người đang sử dụng ví điện tử sẽ phải làm lại thủ tục khai báo bổ sung thông tin.

   Dự thảo này khiến giới chuyên gia, doanh nghiệp và cả người dùng lo lắng việc khai báo lại thông tin không chỉ gây khó cho khách hàng mà còn tạo áp lực cho các trung gian thanh toán, nhất là yêu cầu trong vòng 6 tháng các tài khoản ví điện tử phải cung cấp thông tin để thực hiện xác thực kể từ ngày thông tư ban hành.

   Đại diện một doanh nghiệp ví điện tử cho hay, theo quy định hiện nay, để liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng, người dùng có thể lựa chọn liên kết bằng thông tin thẻ ATM hoặc thông qua ngân hàng điện tử. Dù lựa chọn phương thức nào, để có thể liên kết thành công, khách hàng đều phải có đầy đủ các thông tin để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử và ngân hàng xác minh là chính chủ, bao gồm thông tin ngân hàng và số điện thoại đăng ký với ngân hàng.

   Hay nói cách khác, để sử dụng được ví điện tử, khách hàng luôn phải có số điện thoại và số tài khoản ngân hàng. Mà muốn có tài khoản ngân hàng và số điện thoại di động, khách hàng phải cung cấp các thông tin xác minh nhân thân theo quy định với nhà mạng và ngân hàng trước đó rồi.

   Tuy nhiên, dự thảo mới này lại bắt buộc khách hàng phải khai báo lại thông tin định danh trong hồ sơ mở ví điện tử bằng cách nộp chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ thành lập doanh nghiệp (đối với ví điện tử của doanh nghiệp).

   Nếu quy định này được thông qua, dự báo ít nhất 4,2 triệu người đang sử dụng ví điện tử sẽ phải làm lại thủ tục khai báo bổ sung thông tin. Bởi, số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố đầu năm 2019 cho thấy từ tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng gần 20 triệu người đã cài đặt các ứng dụng ví điện tử, trong đó có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng.

   Đại diện doanh nghiệp này cho rằng: “Khách hàng đã được xác minh nhân thân từ khi mở tài khoản ngân hàng nên việc yêu cầu phải nộp thêm chứng minh nhân dân để định danh là không cần thiết và trùng lặp. Bởi nếu cần xác thực khách hàng thì có thể thông qua các thông tin định danh đã có tại ngân hàng hoặc nhà mạng”.

   Mặt khác, việc hơn 4 triệu người đi khai báo lại thông tin sẽ gây áp lực lớn tới các doanh nghiệp là kiểm tra lại từ đầu, gây lãng phí nguồn nhân lực và thời gian. Hơn nữa, hàng triệu người dùng ví điện tử phải khai báo thông tin theo phương thức nào? Là đến tận nơi nộp cho doanh nghiệp hay có thể nộp trực tuyến.

   Dự thảo hiện quy định rất chung chung là “thực hiện theo quy định pháp luật”, khiến cho người dân và doanh nghiệp không rõ phải thực hiện sao cho đúng. Và dù theo cách nào thì cũng đều khiến các bên mệt mỏi. Do đó, với những ví điện tử đã kết nối với tài khoản ngân hàng, nhiều chuyên gia kiến nghị không cần lặp lại yêu cầu xác thực người dùng.

   Giới phân tích cũng cho rằng, dự thảo của NHNN dường như đang đi vào “vết xe vỡ trận” của Nghị định 49/2017/NĐ-CP khi yêu cầu các khách hàng di động phải bổ sung thông tin, trong đó có cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Cảnh tượng người người xếp hàng rồng rắn, chen lấn xô đẩy để cố xin cho được tấm giấy để khai báo các thông tin cá nhân để gửi cho nhà mạng, các cổng thông tin và điểm giao dịch nghẽn mạng đã khiến dư luận mệt mỏi và bức xúc trong thời gian dài. Cuối cùng, sau khi tiếp nhận các ý kiến phân tích, đánh giá, chính Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho rằng, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp không thật sự mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý.

   Lần này, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, việc khai báo lại thông tin có thực sự cần thiết khi trước đó đã có thông tin cá nhân đã được khai báo, bảo mật với các ngân hàng?

   Chia sẻ từ người dùng, chị Thu Phương (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Rõ là phức tạp, chính sách chỉ có làm người dùng mất thời gian chứ chưa thấy tăng thêm bảo mật ở chỗ nào. Rõ ràng, khi mở ví điện tử tôi đã phải kê khai các thông tin như ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp với với ngân hàng. Đặc biệt, số điện thoại phải là số thực dùng để đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử hay thẻ ghi nợ liên kết với ví thì ngân hàng mới cho nạp tiền vào tài khoản, tức là đã kê khai mọi thông tin cá nhân rồi việc gì giờ đang yên lành lại bắt đi khai thông tin lại?”.

   
Nhớ lại một năm trước, mọi người nháo nhào, bỏ công ăn việc làm để chạy ra nhà mạng di động chờ chực, xếp hàng chỉ để khai lại thông tin và chụp ảnh. Bản thân anh Nguyễn Hùng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải rồng rắn xếp hàng mất gần nửa ngày. Đến năm nay, lại thấy có dự thảo quy định, người dùng ví điện tử chỉ cần bổ sung thông tin khách hàng khiến anh “thở ngắn than dài”.

   Anh chia sẻ: “Lúc khai báo thông tin cá nhân mua sim điện thoại, tôi đã cung cấp giấy tờ tùy thân và trong đó cũng có ảnh. Do vậy việc chụp ảnh này là có cũng như không. Dù biết quy định vô lý nhưng tôi vẫn phải tuân thủ. Tương tự, tài khoản ví điện tử để có thể hoạt động tôi cũng khai báo đầy đủ thông tin trước đó ở ngân hàng rồi, giờ cớ gì lại bắt tôi khai báo lại ở ví điện tử? Quy định này quá gây phiền cho người dùng”.

   Lo lắng và bức xúc vấn đề này chị Tống An (Cầu Giấy, Hà Nội), người dùng ví điện tử nửa năm nay cho hay: “Nếu khai báo lại thông tin mà phải đến điểm giao dịch của đơn vị cung cấp ví thì ít nhất phải đợi hơn 1 tiếng mới đến lượt mình khai báo. Các đơn vị này thì làm giờ hành chính, tôi cũng phải làm giờ hành chính thì có khi phải bỏ cả việc để đi xếp hàng. Việc này rồi sẽ diễn ra y hệt như chúng tôi đã xếp hàng như lần khai báo thông tin của các nhà mạng trước đó. Còn chưa kể, nếu nhiều người đến khai báo, không có người hướng dẫn cách lấy số điện tử, không được tư vấn, nếu hỏi thăm nhưng nhân viên tỏ ra khó chịu. Tóm lại thì rất phiền phức và tốn thời gian, công sức”.

   Chị An cũng cho rằng, hiện trong điện thoại chị có 3 ứng dụng gồm MoMo, Viettel Pay, Sacombank Pay để vừa hưởng ưu đãi vừa thanh toán dịch vụ, hàng hóa khi cần. Việc tải ứng dụng, đăng ký số điện thoại, liên kết với các ngân hàng trước đó để thực hiện được thì thông tin cá nhân và số điện thoại đã phải trùng khớp với ngân hàng như vậy việc xác thực thông tin khách hàng đã chính xác. Giờ nếu yêu cầu phải cung cấp thông tin đầy đủ thông tin lần nữa, tức là sẽ bao gồm việc điền thông tin đăng ký, photo công chứng giấy tờ, tốn thời gian đợi quá lâu và công sức chị có thể sẽ cân nhắc giảm bớt số lượng ví, chỉ giữ lại ứng dụng nào thông dụng để dùng.

   Chị Cao Trà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại cho hay: “Việc xếp hàng đi khai báo lại thông tin cho ví điện tử đang làm khó người dùng. Nếu tính được thành tiền thì đã có bao nhiêu công sức, tiền bạc mà người dân đã phải bỏ ra để làm đi làm lại việc này? Chi phí xăng xe đi lại để xác nhận của mỗi ví điện tử, chưa tính thời gian lao động hãy tính xem lãng phí bao nhiêu tiền. Sao không quản lý ngay từ đầu mà lại đưa ra quy định làm khó người dùng như vậy? Chưa kể nếu sử dụng phương thức cung cấp thông tin cá nhân qua mạng quá cụ thể có thể gây rò rỉ thông tin riêng, kẻ xấu có thể khai thác cho mục đích lừa đảo nào đó”.


Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, hoàn toàn có thể xác thực khách hàng thông qua các thông tin định danh đã có tại ngân hàng hoặc nhà mạng trước đó, không cần thiết phải yêu cầu họ thực hiện thủ tục khai báo tốn kém thời gian, chi phí. Hơn nữa, thanh toán điện tử là khâu then chốt để phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này là rất cần thiết, nhưng cần đảm bảo an toàn, tiện lợi cho người dùng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, làm tiền đề cho cách mạng 4.0.

Theo Hồng Vũ/Đô Thị Mới