Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang sửa đổi quy định về ví điện tử, yêu cầu người dùng khai báo lại thông tin cá nhân. Với 4,2 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động, viễn cảnh “vỡ trận” giống trường hợp các nhà mạng buộc thuê bao di động bổ sung ảnh chân hồi năm 2018 là khó tránh khỏi. 

Một câu chuyện tương tự, năm ngoái khi các nhà mạng di động buộc chủ thuê bao phải nộp ảnh chân dung bổ sung theo yêu cầu của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, hàng chục nghìn người rồng rắn kéo nhau đến các nhà mạng để chụp ảnh nhằm tránh bị mất số điện thoại.

Có rất nhiều người đã phải dành cả ngày trời, bỏ bê công việc chỉ để xếp hàng chờ đợi đến lượt, các nhà mạng cũng bị quá tải về cơ sở vật chất và nhân viên, dẫn đến tình trạng “vỡ trận” ở nhiều thành phố lớn. Còn bản thân các nhà mạng cũng phải đầu tư một khoản không hề nhỏ để chuẩn bị cơ sở vật chất và con người nhằm phục vụ người dân. Sau đó, chính cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận thấy sự thiếu hiệu quả trong quy định nên phải đề xuất bỏ yêu cầu chủ thuê bao chụp ảnh chân dung.

Ví điện tử sẽ vắng bóng khách hàng nếu như phải chịu những thủ tục rườm rà?

Ví điện tử sẽ vắng bóng khách hàng nếu như phải chịu những thủ tục rườm rà?

Theo thống kê của NHNN hồi đầu năm nay (2019), hiện đang có 4,2 triệu tài khoản ví điện tử đã được liên kết với tài khoản ngân hàng. Con số này dĩ nhiên là nhỏ so với số thuê bao di động bị yêu cầu phải bổ sung ảnh chân dung năm trước. Nhưng nếu yêu cầu những chủ tài khoản ví điện tử phải cung cấp thông tin thì cũng khó tránh khỏi cảnh “vỡ trận” như vậy.

Theo quy định hiện hành, người dùng ví điện tử chỉ cần liên kết với tài khoản ngân hàng là đã có thể dùng ví. Việc phải bổ sung thông tin khách hàng khiến nhiều người cảm thấy hoang mang. Chị Đ.T.N. (ngụ quận 4, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thắc mắc liệu việc phải định danh một lần nữa với bên ví điện tử là có thật sự cần thiết hay không? Bởi khi liên kết với ngân hàng thì tôi nghĩ phía ví điện tử cũng đã có được thông tin của mình”.

Bên cạnh đó, khi cung cấp thông tin cho ví điện tử thì khách hàng buộc phải chuẩn bị nhiều giấy tờ, chứ không chỉ đơn thuần là chụp ảnh bổ sung như trường hợp của thuê bao.

Anh V.Q.A. tỏ ra lo lắng cho biết: “Đợt quy định về thuê bao thì chỉ đơn giản là chụp ảnh bổ sung chứ không bổ sung giấy tờ tùy thân, nên có những nhà mạng cho phép xử lý bằng cách gửi ảnh online. Nhưng việc cung cấp hồ sơ người dùng sẽ bao gồm việc điền thông tin đăng ký, photo công chứng giấy tờ… Việc có nhiều thủ tục hơn với cách làm thủ công như hiện tại khiến tôi rất lo mình sẽ phải tốn nhiều thời gian và công sức”.

Ngoài ra, yếu tố khác có thể dẫn đến nguy cơ “vỡ trận” đó là khả năng đáp ứng từ phía bên cung cấp dịch vụ. Với đặc thù của các doanh nghiệp công nghệ, các dịch vụ ví điện tử  không mở nhiều phòng giao dịch, chi nhánh như các nhà mạng. Việc xử lý hồ sơ số lượng khách hàng rất lớn theo yêu cầu của dự thảo sẽ dẫn đến đòi hỏi nguồn lực đáng kể.

Theo ước tính từ Ernst & Young Việt Nam, hiện nay, các ngân hàng phải bỏ chi phí để thu thập thông tin định danh một tài khoản khách hàng là khoảng 300.000 đồng, chưa tính chi phí lưu trữ, duy trì. Nếu áp dụng con số này cho ví điện tử thì với 4,2 triệu tài khoản đang hoạt động và có liên kết với ngân hàng, tổng số tiền mà các doanh nghiệp ví điện tử phải bỏ ra lên đến 1.260 tỷ đồng. Còn với tổng số 20 triệu tài khoản ví điện tử đã đăng ký, cũng như tình hình số lượng người dùng ví điện tử Việt Nam tăng đều đặn mỗi năm, con số chi phí trên chắc chắn chưa dừng lại.

Như vậy viễn cảnh về “vỡ trận” rất có dễ sẽ xảy ra nếu quy định này trong Dự thảo của NHNN được thông qua. Nên chăng NHNN cần tham khảo ý kiến từ các bên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dùng và doanh nghiệp trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý.

Một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là xây dựng cơ chế liên thông giữa ngân hàng, nhà mạng và doanh nghiệp ví điện tử. Người dùng ví điện tử không cần phải cung cấp thông tin bởi bản thân họ đã cung cấp thông tin khi đăng ký thuê bao điện thoại và mở tài khoản ngân hàng. Vì vậy, chỉ cần các  bên liên kết với nhau thì cũng đồng nghĩa với việc phía ví điện tử sẽ có được thông tin người dùng mà không phải phát sinh chi phí hay tạo phiền hà cho người dân.

Cùng quan điểm về việc này, chị T.T.H (Hà Nội) cho biết thêm, việc đề ra quy định về cơ chế xác thực người dùng của NHNN là việc làm đúng đắn bởi giúp hạn chế nhiều hoạt động phi pháp. Tuy nhiên, NHNN nên có những cách làm để tránh gây rắc rối cho cả doanh nghiệp lẫn người dân. Bài học từ việc chụp ảnh chân dung thuê bao vẫn còn đó, và NHNN cần có giải pháp để tránh tình trạng “vỡ trận” xảy ra thêm một lần nữa.

Theo Quốc Quân/Đô thị mới