Học sinh cẳng thẳng với “cuộc chiến cuối cấp”
Dường như, “cuộc chiến cuối cấp” luôn khiến cho nhiều phụ huynh và học sinh như ngồi trên đống lửa. Đặc biệt, mấy năm gần đây, kỳ thi cuối cấp có nhiều đổi mới, kết thúc mỗi kỳ thi có nhiều bất ngờ xảy ra. Dẫu biết, kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ theo chương trình lớp 11 từ trước nhưng nhiều học sinh vẫn không khỏi lo lắng, đứng ngồi không yên.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Với tâm lý “dồn hết sức đánh trận cuối”, em Trần Thị Nhung (học sinh lớp 12 trường THPT Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Chúng em cũng lường trước là năm nay Bộ GD-ĐT sẽ ra thêm phần kiến thức lớp 11, bởi trước đó, trong khi công bố phương án thi cho năm 2017, Bộ GD-ĐT cũng đã thông báo năm 2018 sẽ thi thêm chương trình lớp 11. Phần nào đó chúng em cũng đã chuẩn bị tâm lý cho việc học. Tuy nhiên, hơi sốc khi Bộ không cung cấp thêm đề thi minh họa”.
Nhung nói thêm: “Một trong những công cụ chúng em khá mong đợi là đề thi minh họa, bởi đề thi minh họa giúp chúng em định hướng được cách ôn tập. Đặc biệt, phần kiến thức lớp 11 sẽ giúp chúng em biết Bộ ra đề như thế nào để tập trung vào phần đó mà học, tránh học tràn lan”.
Cũng tâm lý “dồn sức đánh trận cuối” như em Nhung, em Nguyễn Thanh Tâm (học sinh trường Việt Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Phương án thi vẫn như năm ngoái, chúng em cũng phần nào đó bớt áp lực, tuy nhiên, phần lo lắng nhất là không có đề thi minh họa. Bởi có đề thi minh họa, chúng em sẽ tự tin hơn, khi có thêm tài liệu thì học sinh vẫn yên tâm hơn”.
“Phần kiến thức lớp 11 cũng không hề nhỏ đối với tổ hợp môn Khoa học xã hội, nhất là môn Lịch sử và Giáo dục công dân vì nó khá dài. Nếu Bộ GD-ĐT không cung cấp thêm đề thi minh họa thì nên sớm có tài liệu và đề cương ôn tập để học sinh biết định hướng bám vào mà học, còn cứ học kiểu giàn trải như hiện này là ngày học 12, đêm về cũng phải dành thời gian ôn lại lớp 11 thì chúng em khá áp lực”.
Tâm trạng lo lắng và khá hoang mang, em Trung Hiếu (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), thí sinh tự do, vừa không đủ điểm đỗ vào đại học năm nay và phải thi lại vào năm tới, việc mở rộng kiến thức là áp lực không nhỏ với em.
“Điều đó khiến những đối tượng như chúng em sẽ phải học đuổi lại kiến thức lớp 11, vốn dĩ đã qua lâu, điều này khiến em rất lo. Lượng kiến thức rộng, lại thi trắc nghiệm nên kiểu gì cũng phải ônthêm một lượng lớn kiến thức đề trắc nghiệm”, Hiếu thở dài.
Kỳ thi tuyển sinh 2018, đề thi sẽ có thêm phần kiến thức lớp 11. Ảnh Hải Nam.
Không có đề thi minh họa càng phải bám sát sách giáo khoa
Đó là ý kiến của một thầy giáo dạy chuyên Toán ở Hà Tĩnh xin giấu tên chia sẻ: “Dường như khi Bộ GD-ĐT không ra thêm đề thi minh họa thì đề thi chính thức buộc phải bám sát sách giáo khoa. Chính vì vậy, giáo viên dạy cũng như học sinh ôn tập cần bám sát sách giáo khoa để dạy và học. Bên cạnh đó, theo tôi thế cũng tốt để học sinh tránh học tủ, học theo đề thi minh họa”.
Ví dụ: Trong đề thi Toán, người ra đề luôn có rất nhiều ý tưởng, cùng một nội dung, kiến thức đó nhưng chỉ cần cách hỏi, cách đặt vấn đề khác một chút, nếu học sinh không nắm vững kiến thức có thể không làm được hoặc mất rất nhiều thời gian để giải.
Thầy giáo giấu tên cũng dẫn chứng thêm: “Như năm ngoái có đề thi minh họa, đề thi tham khảo, học sinh cứ bám sát vào nội dung có trong đề thi, nhiều học sinh học quá máy móc sau khi có đề thi chính thức, có một số câu hỏi được người ra đề đặt vấn đề khác đi là các em không làm được. Ngay sau khi kết thúc môn thi, các em “kêu” có nhiều câu hỏi khác với đề thi tham khảo và đề minh họa. Như vậy, vô hình chung học sinh đang học tủ và học quá máy móc theo đề thi minh họa dẫn đến bị động. Chính vì vậy, theo tôi không có đề thi minh họa, mà sử dụng đề thi minh họa của năm ngoái cũng là một ý hay, hạn chế được học tủ, học vẹt”.
Đồng thời, cũng theo giáo viên giấu tên này, để làm ra một đề thi minh họa sẽ khá tốn kém, trong khi đó, công bố phương án thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT cũng đã lưu ý những học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ có thêm 30% là chương trình lớp 11 để học sinh chuẩn bị kiến thức cũng như tâm lý cho kỳ thi.