Thưa các bạn thủ khoa và cử nhân bằng giỏi!

Xin lượt qua vài sự kiện thế này:

1. Năm 2013, trước cơn “địa chấn thông tin” về tân thủ khoa ra trường, với tấm bằng giỏi, đã xin việc nhiều nơi nhưng vẫn chỉ nhận được câu từ chối với lý do chưa có kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ GTVT (khi đó) là ông Đinh La Thăng đã quyết định nhận “cậu” cử nhân này về làm việc tại Viện khoa học công nghệ của ngành mình.

Phải nói, em thật có phúc khi có được cơ may quan tâm đó! Nhưng đến bây giờ, chúng tôi không biết em đã phát huy được gì hoặc chí ít là sống ra sao?

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

2. Năm 2015, một “cô bé” cũng được báo chí “giúp” kêu trời vì đã nhiều tháng trôi qua, kể từ ngày ra trường, là thủ khoa nhưng vẫn đang miệt mài ôn thi công chức và “phải” làm nhân viên kế toán cho một doanh nghiệp xây dựng. Kèm theo đó là lời tâm sự về nỗi vất vả của người phải vừa đi làm, vừa… ôn thi công chức. Rồi em bảo, nếu không được “tin tưởng” thì sẽ “đành” phải đi làm cho công ty tư nhân?

Không biết em đã đỗ công chức hay chưa? Và nếu chưa đỗ thì đã có công ty tư nhân nào nhận em vào “làm tạm” hay chưa?

3. Mới nhất là… hiện nay, năm 2017, có một sinh viên thủ khoa sư phạm 2016, được vinh danh tại Văn Miếu, vẫn một năm trời “phải ở nhà chăn lợn”. Em kể rằng, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, dự kỳ thi tuyển giảng viên nhưng không đỗ, em cầm tấm bằng trở về quê hương; chủ động gửi thư cho lãnh đạo tỉnh đề xuất nguyện vọng muốn được làm việc ở quê hương để cống hiến cho tỉnh nhà và đã nhận được lời hứa sẽ được tạo điều kiện ưu tiên đặc biệt nhưng… mãi vẫn bặt vô âm tín.

Chúng tôi được biết rằng, trả lời báo chí, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh nhà nói là đã biết chuyện, đã đánh giá rất cao mong mỏi cống hiến của em nhưng vẫn phải đợi có tiêu chuẩn biên chế và có đợt thi công chức!

4. Lượt lại vài chuyện điển hình để ngõ hầu chia sẻ.

Thưa các em!

Chúng tôi nghĩ rằng: Dường như, có một “đặc điểm” chung của các thủ khoa, những cử nhân giỏi từ các trường công lập nước nhà là đều mong muốn trở thành “công chức” (?!). Thà phải “chăn lợn”, thà vừa làm thêm vừa đợi cơ hội thì cũng phải “cực chẳng đã” họ mới “lựa chọn” làm việc cho… “tư nhân”. (Dù ngàn lần không muốn thế!)

Vậy nhưng, dường như, chưa một lần các em tự hỏi “tư nhân” có lựa chọn các em không? Các em có đủ năng lực và nghị lực để chiến đấu trong môi trường việc làm của xã hội dù rất nghiệt ngã nhưng rất đỗi công bằng hay chưa? Các em có ngộ nhận, có thụ động hay không khi chỉ dựa vào thành tích học tập để “đòi hỏi” phải vào được và được vào nhà nước; phải được nhà nước trọng dụng? Cái áo (tấm bằng) không làm nên một người lao động (thầy tu) giỏi!

Nếu tự tin và xin hãy đừng thụ động; các em hãy bước vào môi trường lao động của ngoại trừ hơn 11 triệu biên chế; khi đó, các em sẽ giúp làm cho môi trường ấy không còn là “ân sủng” và tự nhiên phải cởi mở, cạnh tranh hơn. Đồng thời, các em cũng giúp chúng tôi dễ thở hơn trong vấn đề nhân sự (mong là thế!).

Vẫn biết, nền giáo dục nước nhà chưa đủ khả năng đáp ứng cho yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng hãy nghĩ (chí ít) kể từ khi bước sang tuổi 18, các bạn đã phải tự chịu trách nhiệm về tương lai sự nghiệp của mình. “Vào nhà nước” chưa và không bao giờ là con đường duy nhất trừ khi các em ỷ lại, mong nhà nước phải “chịu trách nhiệm”, phải có trách nhiệm “lo” cho tương lai sự nghiệp của mình.

Tôi và rất nhiều bạn bè của tôi, những doanh nhân, nhà quản lý (ngoài quốc doanh) luôn mỏi mắt chờ mong các bạn thủ khoa, những cử nhân, kỹ sư bằng giỏi dám và sẵn sàng cùng chúng tôi “chiến đấu”. Hãy “cất” tấm bằng của các bạn đi và đối mặt với một môi trường lao động và học tập thực sự sau những yên ả của băng ghế nhà trường.

Nói thật! Chúng tôi tôn trọng hàng vạn cử nhân sẵn sàng “sửa sai” bằng cách quay lại học nghề để làm công nhân hơn là những người sống trong “hào quang” của tấm bằng đại học và thất nghiệp! Cổ nhân bảo: Không có nghề hèn, chỉ có người hèn!

Và xin lỗi, không chỉ cứ “vào nhà nước” thì các bạn mới có cơ hội công hiến!

PS: Trong một diễn biễn biến khác, khi các bạn (những cử nhân bằng giỏi, những thủ khoa) đang than vãn vì không tìm được việc làm; và chúng tôi (những doanh nhân, nhà quản lý “ngoài biên chế”) đang phải mỏi mắt tìm cộng sự (thậm chí phải đi thuê nhân sự nước ngoài) thì ít nhất cũng đang có 15/16 Thủ khoa của “Đường lên đỉnh Olympia” “không thèm” lựa chọn cơ hội việc làm trong nước!

Đau lắm! 

Theo Reatimes.vn