PV: Thưa luật sư, vừa qua người dân có phản ánh về việc cơ sở Thẩm mỹ viện Đông Nam Á chuyên cung cấp các dịch vụ như tiêm filler, phun xăm, phẫu thuật vùng kín,… hoạt động không đủ an toàn cho khách hàng. Phóng viên cũng đã liên lạc và xác nhận với lãnh đạo Sở Y tế và được biết Sở Y tế không cấp phép cho cơ sở này hoạt động. Vậy, với hành vi hoạt động không phép, Thẩm mỹ viện Đông Nam Á sẽ phải nhận hình phạt gì? Ngoài xử phạt hành chính thì có liên quan tới yếu tố hình sự hay không?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Với hành vi hoạt động không phép, Thẩm mỹ viện Đông Nam Á sẽ bị xử phạt hành chính. Theo quy định tại điểm a, khoản 6, điều 29, nghị định 176/2013 NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế:

6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  1. a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động;”

Ngoài xử phạt hành chính thì thẩm mỹ viện chỉ liên quan đến yếu tố hình sự khi gây ra hậu quả chết người hoặc tổn thương về sức khỏe của những khách hàng đến thực hiện dịch vụ, phụ thuộc vào % tổn thương về sức khỏe mà nằm trong khung hình phạt được áp dụng trong Bộ Luật hình sự.

Ảnh và thiết kế: Minh Dương.

Ảnh và thiết kế: Minh Dương.

Tuy nhiên, việc những thẩm mỹ viện hoạt động một cách không phép rất có khả năng gây mất an toàn cho khách hàng. Dù là xử phạt hành chính hay hình sự, cần có những mức phạt nghiêm khắc, triệt để cho các trường hợp thẩm mỹ viện không phép, để làm gương cho những cơ sở tương tự bắt đầu có dấu hiệu hình thành.

PV: Vậy các dịch vụ như tiêm filler, phun xăm, tiểu phẫu mà cơ sở này kinh doanh, cung cấp cho khách hàng cũng vi phạm pháp luật?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Tất cả các dịch vụ thẩm mỹ viện thực hiện cho khách hàng đều vi phạm pháp luật vì thẩm mỹ viện chưa được cấp phép hoạt động. Theo quy định tại khoản 2, điều 37, nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh:

“Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Thiết kế: Minh Dương.

Thiết kế: Minh Dương.

PV: Vừa qua, PV đã liên lạc và yêu cầu phía đại diện cơ sở Thẩm mỹ viện Đông Nam Á xác minh, cung cấp toàn bộ thông tin về hành vi hoạt động không phép, tuy nhiên, vị đại diện có thái độ chống đối, thách thức, không hợp tác. Cho đến nay, cơ sở này vẫn ngang nhiên quảng cáo, hoạt động rầm rộ. Quan điểm của luật sư như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Theo tôi, vấn đề này thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan. Cơ quan quản lý trực tiếp vấn đề này là Sở Y tế, quản lý, cấp phép cho các cơ sở thẩm mỹ hoạt động. Chính vì vậy, cần có sự can thiệp kịp thời, nghiêm khắc của cơ quan có thẩm quyền, Thanh tra Sở Y tế. Bên cạnh đó, nên tiến hành các biện pháp lập biên bản, xử phạt, và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả, tiến hành đăng ký để xin cấp giấy phép hoạt động.

Trong trường hợp vẫn gặp phải sự chống đối, thiếu hợp tác của đại diện cũng như chủ cơ sở thẩm mỹ viện, cần có những khung hình phạt, chế tài nặng hơn để xử lý dứt điểm.

PV: Theo một số nguồn tin, không những cung cấp các dịch vụ làm đẹp, Thẩm mỹ viện Đông Nam Á còn nhận đào tào học viên, cũng như đi đến nhiều tỉnh khác để hoạt động. Hành vi này có được xem là vi phạm pháp luật hay không?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Dịch vụ đào tạo dạy nghề là ngành nghề bắt buộc phải có giấy phép đào tạo do Sở giáo dục và đào tạo cấp, hoạt động dạy nghề của thẩm mỹ viện chưa được sự cấp phép của Sở giáo dục và đào tạo là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Thực chất “học viện thẩm mỹ” là loại hình đào tạo nghề nằm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Do đó, nếu chưa được cấp phép mà đã tổ chức hoạt động và tuyển sinh các trung tâm này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 79/2015/NĐ-CP, cụ thể:

Đối với hành vi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp là đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (Căn cứ Điều 5 Nghị định 7/2015/NĐ-CP). Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều này vào ngân sách nhà nước;

- Buộc hoàn trả cho tổ chức, cá nhân các khoản tiền đã thu; trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước;

- Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được người học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác;

- Buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận kiểm định đã cấp.

Đối với hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu; trường hợp không xác định được người học để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ 01 tháng đến 03 tháng. Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 79/2015/NĐ-CP.

Ảnh: Minh Dương.

Ảnh: Minh Dương.

Thẩm quyền xử phạt trong trường hợp này theo quy định của Nghị định 79/2015/NĐ-CP dựa trên căn cứ vào mức phạt, thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính về thành lập và đăng ký hoạt động của trung tâm dạy nghề gồm:

-  Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, theo khoản 3 Điều 29;

-  Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề theo khoản 5 Điều 29;

-  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, theo khoản 3 Điều 30

Theo tôi, cần nhanh chóng ngăn chặn hình thức tuyển sinh, đào tạo học viên tại các cơ sở thẩm mỹ viện không phép. Bởi nếu không, về sau sẽ còn có rất nhiều thẩm mỹ viện như thế ra đời.

PV: Hiện nay, với nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao, nhiều cơ sở “tự xưng” là Thẩm mỹ viện nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép xuất hiện rất nhiều. Luật sư có lời khuyên gì đến khách hàng?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Đầu tiên, bạn nên tìm hiểu về giấy phép hoạt động của cở sở thẩm mỹ, trung tâm có chi nhánh, hợp tác với nước ngoài hay không và bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn hay không. Cơ sở vật chất tốt cũng là một trong những điều kiện hỗ trợ cho việc làm đẹp của bạn. Bạn nên tìm hiểu về vật liệu, trang thiết bị có xuất xứ rõ ràng, được phép lưu hành của Nhà nước, Bộ Y Tế.

Đối với các phẫu thuật lớn như nâng ngực, hút mỡ, nâng mũi, tạo hình khuôn mặt..., bạn nên chọn bệnh viện có đội ngũ gây mê, hồi sức chuyên nghiệp; những trung tâm có chuyên khoa sâu, mỗi bác sĩ đảm nhận những dịch vụ riêng biệt. Tham khảo kinh nghiệm của những người từng làm phẫu thuật thành công để được giới thiệu những bác sĩ có kinh nghiệm. Bác sĩ phẫu thuật phải là người trực tiếp tư vấn cho bạn, giải thích rõ cách thức cần quan tâm trước và sau phẫu thuật…

Vì vậy, bạn nên lựa chọn các bác sĩ đã có kinh nghiệm ngoại khoa từng làm việc các bệnh viện lớn, được đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước tiên tiến. Ngoài ra, bạn không nên phẫu thuật quá nhiều dịch vụ cùng lúc và đừng ham rẻ mà bỏ qua chất lượng dịch vụ.

Xin cảm ơn Luật sư!

Theo Vân Nhi - Minh Dương/Đô Thị Mới