So với tinh thần một nghị quyết liên quan đến vấn đề này được ban hành hồi năm 2008, Luật Nhà ở sửa đổi 2014 đã mở thêm lối ra cho thị trường bất động sản với khung pháp lý cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam khá hoàn thiện so với nhiều năm trước.

Theo đó cá nhân nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự, là được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Trước đây thì cá nhân nước ngoài phải đang sinh sống tại Việt Nam, cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên mới được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Ngoài ra, Luật Nhà ở sửa đổi 2014 cũng mở rộng loại nhà ở được sở hữu, từ căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại thì nay được sở hữu căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Bên cạnh đó, không chỉ được sở hữu tối đa 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận, người nước ngoài còn có thể được gia hạn thêm nếu có nhu cầu, thay vì không được gia hạn như quy định cũ.

Và với tư cách là chủ sở hữu nhà ở, cá nhân nước ngoài được hưởng các quyền như công dân Việt Nam, chẳng hạn được cho thuê, được góp vốn bằng nhà ở và được bán lại nhà.

Có nhiều lý do liên quan đến thủ tục, pháp lý khiến các người nước ngoài e ngại mua nhà tại Việt Nam.

Quy định mới thông thoáng là vậy, song cho đến thời điểm hiện nay, lượng người nước ngoài và kiều bào về nước mua nhà chưa đạt được như kỳ vọng. Tại Họp báo thông tin về Diễn đàn Bất động sản Việt Nam gần đây, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tính đến cuối 2016, mới chỉ có hơn 700 người nước ngoài mua và được sở hữu nhà tại Việt Nam.

Theo ông Hưng, chủ trương và chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, chủ trương này vẫn gặp phải một số vướng mắc nhất định về thủ tục, hồ sơ… do đó, sức mua vẫn chưa được như kỳ vọng.

Cùng với đó là những quy định khá chặt chẽ vì việc này có liên quan đến an ninh, quốc phòng đối với bất kỳ một quốc gia nào chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Trao đổi với Reatimes về vấn đề này, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu CBRE Hà Nội cho biết, hiện tại nhu cầu thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đến chủ yếu từ người mua trong nước. Chúng ta cũng kỳ vọng người mua trong nước sẽ chiếm khoảng 90%. Người nước ngoài tham gia chỉ một phần nhỏ, trên 1%. Và chúng ta mở cửa để người nước ngoài có thể tham gia vào thị trường nhằm đa dạng hóa các kênh đối tượng khách hàng mua chứ có lẽ không nhằm mục tiêu đây sẽ là kênh đầu tư lớn.

Theo bà An, với bất động sản của Việt Nam, nếu so sánh với thị trường trong khu vực như Thái Lan, Philippines cũng đã mở cửa cho người nước ngoài khá lâu, mức độ phát triển của họ về kinh tế cũng như bất động sản cũng đã đi trước chúng ta. Do đó những người đầu tư nước ngoài khi đã quan tâm thị trường bất động sản sẽ có sự so sánh về mức độ phát triển sản phẩm, vị trí địa lý, hoạt động đầu tư... tại quốc gia đó có dễ dàng hay không. Những vấn đề đó có thể chúng ta chưa thực sự có tính cạnh tranh, hệ thống pháp luật chưa thực sự đủ hoàn thiện so với những nước đi trước.

“Mặc dù hiện nay chúng ta có mặt bằng giá khá hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Đứng ở bình diện các nhà đầu tư nước ngoài, giá nhà tại Việt Nam hiện vẫn rẻ hơn so với các nước trong khu vực. Song ở góc độ khác đi kèm như rủi ro về đồng tiền, khó khăn khi cần chuyển nhượng, cho thuê, bán lại và rút tiền ra khỏi Việt Nam thì chúng ta mới chỉ bắt đầu có khung pháp lý, còn cần phải có những hướng dẫn cụ thể và tính rõ ràng của nó thì phải cần thêm thời gian”, bà An lý giải.

Đối với thị trường du lịch – một nền tảng quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong năm vừa qua ghi nhận số lượng khách quốc tế tăng trưởng nhanh chóng. Thế nhưng nếu so sánh với Thái Lan vẫn còn khá khiêm tốn.

Do đó, lãnh đạo CBRE Hà Nội đề nghị trong thời gian tới, phải làm sao để người nước ngoài yên tâm với khoản tiền họ đã bỏ ra khi mua nhà tại Việt Nam. Bởi khi bỏ ra một khoản tiền vài trăm ngàn đô, điều tất yếu họ sẽ quan tâm là khoản tiền đó sẽ đi đâu, có lấy ra được không... “Đôi  khi quyết định đầu tư hay không vào một sản phẩm bất động sản tại một quốc gia chỉ phụ thuộc vào những vấn đề như vậy”, bà An cho biết.

Và để thuận tiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, trước hết cần có cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường sẵn có liên quan đến xu hướng, nhu cầu, danh mục dự án đủ điều kiện cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu... Tiếp đó là hoàn thiện hệ thống pháp lý, hướng dẫn các thủ tục liên quan đến thị trường để các nhà đầu tư nắm được trước khi quyết định đầu tư. 

Theo Nhật Bình/Reatimes