Theo Báo cáo tổng quan về bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam của Nielsen mới đây, người Việt Nam online trung bình hơn 15h/tuần, tương đương 2h/ngày.
Trong đó, 72% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát đánh giá việc mua sắm trực tuyến rất tiện lợi và 18% cho biết đã lên kế hoạch mua sắm thực phẩm và đồ uống trực tuyến trong vòng 6 tháng tới.
Hơn 30% người tiêu dùng cho biết gắn bó mật thiết với mua sắm trực tuyến và tham khảo mạng xã hội để đưa ra quyết định mua sắm; 20% người tiêu dùng nói mua sắm trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm chi phí (những người này thường sử dụng ứng dụng giảm giá hoặc các trang web giảm giá).
Vẫn còn 15% người tiêu dùng nói không với mua sắm trực tuyến vì phải trả chi phí giao hàng. 11% người tiêu dùng nói web mua sắm khó hiểu (do cách thức sắp xếp web chưa thuận tiện cho việc tìm kiếm thông tin).
Cũng theo báo cáo của Nielsen, 10 ngành hàng có tỷ lệ người tiêu dùng có ý định mua sắm trực tuyến cao nhất gồm: Vé máy bay, tour du lịch khách sạn, sách điện tử, vé sự kiện, phần mềm máy tính, nhạc, video/DVD/trò chơi, quần áo, sách, điện thoại.
Đồng thời, 10 ngành hàng có tỷ lệ người tiêu dùng có ý định mua sắm trực tuyến thấp nhất gồm: Chăm sóc cá nhân, đồ chơi/búp bê, chăm sóc bé, phần cứng máy tính, dụng cụ thể thao, hoa, tạp hóa (đồ uống, thực phẩm), nước uống có cồn, xe hơi/xe máy và phụ kiện, sản phẩm chăm sóc thú cưng.
Ở 1 số liệu cũ hơn cho thấy: Sự hài lòng của người tiêu dùng Việt Nam đối với mua sắm trực tuyến đã tăng 7,4% so với năm 2014 với 62,1% người trả lời nói rằng họ hài lòng với việc mua sắm trực tuyến.
Số người được khảo sát nói rằng họ sẽ thực hiện một giao dịch mua sắm trực tuyến trong vòng 6 tháng tới đã tăng từ 91,4% (năm 2014) lên 93% - đây là tỷ lệ cao thứ hai tại khu vực Châu Á/Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc (96,4%).
3 yếu tố quan trọng nhất mà người tiêu dùng thường quan tâm khi mua sắm tực tuyến gồm:
- Uy tín của một trang web (83,8%)
- Các phương thức thanh toán tiện lợi (81%)
- Chính sách hoàn trả hay đổi hàng (81%)