Một điều chắc chắn đó là con người đã sử dụng cây để trang trí trong các dịp lễ hội mùa đông trong hàng nghìn năm qua, rất lâu trước khi Cơ đốc giáo ra đời.

Những người ngoại đạo ở châu Âu đã sử dụng những cành cây linh sam để trang trí nhà cửa và làm tinh thần của họ trở nên tươi sáng hơn trong ngày đông chí.

Người La Mã ban đầu sử dụng các loại cây thông để trang trí các ngôi đền của họ tại lễ hội Saturnalia, trong khi người Ai Cập cổ đại sử dụng cây cọ xanh như một phần của sự thờ cúng thần Ra của họ.

Tiến sĩ Dominique Wilson từ Đại học Sydney (Úc) cho biết: “Ý tưởng mang cây thông vào nhà tượng trưng cho khả năng sinh sản và cuộc sống mới nảy mầm trong bóng tối của mùa đông.

"Đây cũng là nguồn gốc cho những ý tưởng về cây ô rô, cây thường xuân và cây tầm gửi bởi vì chúng là những loài thực vật ít ra hoa vào mùa đông nên chúng có ý nghĩa đặc biệt. Vì vậy, ý tưởng mang cây thông vào nhà bắt đầu từ đó và cuối cùng phát triển cho tới ngày nay", bà Wilson chỉ ra.

Từ phong tục ngoại giáo đến Cơ đốc giáo

Có một số giả thuyết và truyền thuyết về việc làm thế nào mà cây thông trở thành biểu tượng của người Cơ đốc giáo.

Câu chuyện phổ biến nhất là vào thế kỷ thứ 8, một tu sĩ người Anh tên Boniface đã đến vùng đất ngày nay là nước Đức để truyền đạo.

https://ngaynay.vn/nguon-goc-truyen-thong-trang-tri-cay-thong-dip-giang-sinh-post100643.html

"Khi đó, Boniface đã bắt gặp một số người Đức bản địa thực hiện một cuộc hiến tế dưới gốc cây sồi, loài cây vốn là vật linh thiêng đối với thần Thor", Tiến sĩ Wilson nói. "Boniface giật lấy chiếc rìu của mình và chặt cây để ngăn những người ngoại giáo thờ thần Thor. Đám đông sau đó đã chờ đợi thần sấm sét Thor trừng trị kẻ liều lĩnh này, nhưng Boniface không hề bị sét đánh".

Do đó, Boniface đã tận dụng tâm lý hoang mang của đám đông để cải đạo cho người bản địa. Sau đó, truyền thuyết kể rằng một cây thông đã mọc ra từ cây sồi bị chặt đổ.

Đáng chú ý, loại cây này có hình tam giác, khiến các tín đồ Cơ đốc giáo liên tưởng tới hình ảnh Chúa Ba ngôi, từ đó nảy sinh ý tưởng rằng loài cây này nên là biểu tượng của Chúa và sự sống mới.

"Đó là một trong những nguồn gốc chính của cây thông Noel và truyền thống mang cây này vào nhà trang trí trong dịp Giáng sinh", theo Tiến sĩ Wilson.

Truyền thống lâu đời của Đức

Cây thông Noel hiện đại xuất hiện ở miền Tây nước Đức trong thế kỷ 16 khi những người theo đạo Cơ đốc mang cây vào nhà và trang trí chúng bằng bánh gừng, các loại hạt và táo.

Phong tục này trở nên phổ biến trong giới quý tộc và lan rộng đến các gia đình hoàng gia trên khắp châu Âu vào đầu thế kỷ 19.

Khi người Đức di cư đến các nơi khác trên thế giới, truyền thống này cũng lan rộng. Nhưng ở những nơi như Mỹ, việc trang trí cây thông Noel thường được coi là một phong tục ngoại giáo cho đến giữa thế kỷ 19.

Phổ biến nhờ Hoàng gia Anh

Mặc dù cây thông Noel có nguồn gốc từ Đức, nhưng chính Nữ hoàng Victoria và Hoàng thân Albert của Anh đã phổ biến nó vào những năm 1840 và 1850.

Mẹ của Victoria, Công chúa Victoria của xứ Saxe-Coburg-Saalfeld, vốn là người Đức nên tuổi thơ của bà lớn lên với hình ảnh cây thông được trang trí vào dịp Giáng sinh.

Nhưng ý tưởng trang trí toàn bộ cây thông không phổ biến ở Anh cho đến khi bức vẽ gia đình hoàng gia ăn mừng xung quanh cây thông Giáng sinh được trang trí trong lâu đài Windsor được tờ Illustrated London News xuất bản năm 1848.

Cặp đối Victoria và Albert vốn là những người nổi tiếng nhất thế giới và chẳng bao lâu sau mỗi ngôi nhà ở Anh đều có một cái cây thông trang trí với nến và đồ ngọt.

Hình ảnh tương tự đã được xuất bản hai năm sau đó tại Mỹ trong cuốn Sách Quý bà của Godey - mặc dù vương miện của Victoria và bộ ria mép của Albert đã được loại bỏ để làm cho hình ảnh mang đậm chất Mỹ hơn.

Đây là bức tranh đầu tiên được lưu hành rộng rãi về cây thông Noel thường xanh được trang trí ở Mỹ và ngay sau đó cây thông Noel đã trở nên thịnh hành trên toàn thế giới.

Theo Ngày nay