Báo động ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Trong tình trạng không khí xấu như hiện nay, người dân hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời; ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách, đảm bảo kín, khít mặt.

Tổng cục Môi trường nhận định: "Theo dự báo thời tiết, đến ngày 18/12, Hà Nội có thể có mưa. Do đó, trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu".

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang gây ra những lo lắng về sức khỏe

Đeo khẩu trang có đủ đảm bảo sức khỏe khi không khí ô nhiễm?

Nhiều người cho rằng, việc đeo khẩu trang khi ra ngoài đường là đủ để bảo vệ sức khỏe. Liệu điều này có chính xác?

Theo PGS TS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt, vào mùa đông, lượng bụi trong không khí nhiều, các hạt bụi mịn, siêu mịn có thể tấn công cơ thể gây ra các bệnh về tai mũi họng, đặc biệt là ở trẻ em.

PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An

Để đối phó với điều này, nhiều phụ huynh cho rằng đeo khẩu trang thường xuyên sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi ô nhiễm không khí và các bệnh về hô hấp. Tuy nhiên, PGS TS Nguyễn Thị Hoài An cho rằng, điều này chưa hoàn toàn chính xác bởi khẩu trang có thể chặn được bụi nhưng không phải tuyệt đối.

"Việc tránh được bụi xâm nhập vào cơ thể là bất khả kháng, không ai làm được trừ khi họ bước vào nhà kính, vô trùng. Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng khẩu trang để chắn bớt các hạt bụi kích thước lớn.

Và quan trọng hơn là giữ cho không khí lạnh ẩm từ bên ngoài không xộc thẳng vào bên trong đường hô hấp của em bé. Đây là biện pháp giúp cho đường hô hấp được khỏe mạnh, không bị nhiễm lạnh. Bởi nếu trẻ bị tác động của nhiệt độ lạnh, ẩm rất dễ bị viêm đường hô hấp trên" - PGS TS Nguyễn Thị Hoài An phân tích.

Bên cạnh việc đeo khẩu trang cho bé, bác sĩ An cũng lưu ý rằng phụ huynh cần tăng cường chăm sóc, vệ sinh, dinh dưỡng cho trẻ vào mùa đông.

Theo đó, cha mẹ nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch như súp lơ xanh, ớt chuông đỏ, tỏi, gừng, rau chân vịt, hải sản giáp xác, sữa chua và các loại trái cây thuộc chi cam chanh (bưởi, cam, quýt, chanh, cam canh). Đồng thời, đa dạng hóa các bữa ăn của trẻ để đảm bảo cơ thể trẻ nhận được đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết để vượt qua thời tiết lạnh giá của mùa đông.

Bên cạnh đó phụ huynh cần bổ sung nước đầy đủ cho bé bằng cách tạo cho trẻ thói quen luôn mang theo bình nước bên người và khuyến khích trẻ luôn uống nước sau mỗi bữa ăn cũng như sau khi tham gia các hoạt động thể chất.

Theo bác sĩ An, vào mùa đông, khí hậu khắc nghiệt, cha mẹ không nhất thiết cứ phải nhốt em bé trong nhà. Tuy nhiên, khi đi ra ngoài phải giữ đủ ấm cho bé. Hãy mặc cho trẻ nhiều lớp quần áo mỏng thay vì ít lớp quần áo dày.

Một quy tắc cơ bản là cha mẹ nên mặc cho trẻ nhiều hơn một lớp so với người lớn trong cùng một điều kiện thời tiết. Nên lựa chọn cho trẻ những món đồ quần áo co giãn tốt và dễ cởi để có thể linh hoạt điều chỉnh số lớp áo hợp lý.

Theo Gia đình Việt Nam