Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), ở khu vực Bắc Trung Bộ, lúc cao điểm nhất là cuối tháng 6 có khoảng 21.600 ha bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, chiếm 4,5% diện tích gieo trồng của khu vực. Hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước ở mức độ nhẹ hơn so với thời gian cuối tháng 6/2019.

Phải có bản đồ hạn hán cho khu vực Trung bộ - Ảnh 1Hạn hán tại các tỉnh Trung Bộ.

Ở khu vực Nam Trung Bộ, diện tích bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước là 16.300 ha, chiếm 4,6% diện tích gieo trồng; trong đó, diện tích cây trồng bị chết trên 500 ha. Nắng nóng kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt cho gần 114.000 hộ dân nông thôn.

Tính đến thời điểm này, tình hình khô hạn chưa có chuyển biến gì tích cực hơn. Hàng chục nghìn ha lúa và cây màu tiếp tục đối mặt với tình trạng hạn hán phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thậm chí có diện tích mất trắng. Điển hình như Bình Định có 2.780 ha; trong đó 2.670 ha đang thực hiện các giải pháp chống hạn, khoảng 116 ha canh tác ngoài vùng công trình thủy lợi đã bị chết; Phú Yên 3.236 ha thiếu nước đang được tích cực chống hạn, 28 ha mất trắng... Thậm chí, tại Ninh Thuận, do không chủ động được nước tưới địa phương đang có hơn 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp phải ngưng sản xuất, thậm chí cũng không thể chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày hay dài ngày.

Trước tình hình hạn hán, thiếu nước hằng năm thường diễn ra tại khu vực Trung bộ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi phải đưa ra được bản đồ hạn hán ở khu vực này.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới năm nay là năm nắng nóng kỷ lục nhất trong 140 năm qua. Nắng nóng liên tục kéo dài kèm theo độ ẩm thấp, gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên lượng nước bốc hơi rất lớn, trong khi lượng mưa ít. Điều này dẫn tới nhu cầu nước tưới tăng, đồng thời làm giảm lượng nước hồ chứa. Đây là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước ở Trung bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, Tổng cục Thủy lợi cần đánh giá thực trạng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, tính chủ động, bị động của từng nơi để từ đó có các giải pháp phù hợp. Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng mô hình hỗ trợ người dân xây dựng bể chứa nước mưa để có thể đảm bảo nước sinh hoạt tối thiểu trong những tháng hạn hán, thiếu nước. Từ đó đánh giá hiệu quả của các mô hình và nhân rộng ra các địa phương.

Cùng với đó, Tổng cục Thủy lợi cần đánh giá thực trạng, năng lực hồ chứa, công trình thủy lợi ở Trung bộ, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa khô để đảm bảo sản xuất.

Cục Trồng trọt cần đánh giá thực trạng, khả năng sản xuất của các vùng; đồng thời, có những khuyến cáo cụ thể với các địa phương về việc cần chuyển bao nhiêu diện tích đất trồng lúa sang cây trồng cạn để không chỉ đảm bảo an toàn trong thiên tai mà còn về thị trường và tính bền vững. Trước nhu cầu chuyển đổi diện tích của các địa phương, Cục Trồng trọt cũng cần đưa ra những bộ giống cây trồng cạn phù hợp cho chuyển đổi, đặc biệt là các loại cây chịu hạn và khuyến kích chuyển đổi sang trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc.

Nguồn: http://baodansinh.vn/phai-co-ban-do-han-han-cho-khu-vuc-trung-bo-d102547.html

Theo baodansinh.vn