Theo quan niệm phương Tây

Người châu Âu tin rằng bàn tay trái có một mạch máu đặc biệt, gọi là mạch máu tình yêu. Đeo nhẫn vào ngón ấy thì tình yêu mới bền vững, có thể ăn ở với nhau đến trọn đời.

Nhẫn cưới là một vật thiêng liêng thể hiện tình yêu của các cặp vợ chồng, với một sự gắn kết bền chặt, hạnh phúc viên mãn.

Người La Mã cổ đại thì tin rằng, trên ngón tay áp út có các tĩnh mạch tình yêu (được gọi là vena amoris theo tiếng La tinh) chạy trực tiếp từ ngón này đến trái tim. Vì vậy, đeo nhẫn cưới ngón này như một lời nhắc nhở tình yêu sẽ luôn luôn giữ trong trái tim bạn.

Hơn thế nữa, ngón áp út cũng rất yếu so với các ngón khác trong bàn tay, nên khi đeo chiếc nhẫn tình yêu vào sẽ khiến bạn có thêm niềm tin và sức mạnh về mặt tinh thần.

Theo quan niệm phương Đông

Người Trung Quốc lại có cách giải thích thật thú vị và xúc động về lý do đeo nhẫn cưới ở ngón áp út tay trái.

Theo họ, ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón tay trỏ tượng trưng cho anh em, ngón giữa là chính bạn, ngón áp út tượng trưng cho người bạn đời, và ngón út tượng trưng cho con cái của bạn.

Khi đặt hai bàn tay đối diện nhau, gập ngón tay giữa lại và áp sát tay vào, đồng thời các ngón còn lại tiếp xúc nhau ở đầu mút ngón tay, bạn sẽ thấy các ngón cái, trỏ, út dễ dàng bị tách rời ra. Đó là bởi: cha mẹ không thể sống suốt đời với bạn. Anh em cũng thế: họ sẽ có gia đình riêng và sẽ bận rộn với cuộc sống mới của mình. Rồi con cái cũng sẽ dựng vợ gả chồng và tạo dựng cuộc sống của riêng chúng chứ không thể sống cùng bạn mãi mãi.

Riêng ngón áp út: bạn có thấy ngạc nhiên khi không thể tách rời chúng ra? Chúng tượng trưng cho bạn và người bạn đời được số phận mang đến với nhau để hòa quyện, gắn bó mãi mãi dù trải qua bao thăng trầm của cuộc đời…

Ở Việt Nam, phong tục đeo nhẫn cưới ở ngón nào có lẽ tương tự như trên. Bên cạnh đó, chúng ta còn nói thêm về ngón nhẫn ở tay trái hay tay phải? Các bậc lớn tuổi thường có quan niệm rằng “nam tả, nữ hữu”, nghĩa là đàn ông ở bên trái, phụ nữ ở bên phải: điều này cũng được áp dụng vào cách đeo nhẫn cưới. Tuy nhiên, để thuận tiện, hầu hết mọi người đều đeo nhẫn tay trái vì tay phải sẽ phải làm nhiều việc, dễ gây xước hoặc mòn nhẫn cưới.

Tùy vào phong tục ở mỗi nền văn hóa hoặc thói quen, sở thích của từng người mà quyết định sẽ đeo nhẫn cưới ở tay trái hay tay phải. Dù vậy, vị trí đeo nhẫn không quan trọng bằng chính tình yêu chân thành hai người dành cho nhau để cùng đồng cam cộng khổ trong cuộc sống hôn nhân đầy ngọt ngào, nhưng cũng không ít chông gai, thử thách…

Ngoài quan niệm đeo nhẫn cưới tay trái hay tay phải, cô dâu chú rể cần chú ý thêm vấn đề đeo nhẫn cưới và nhẫn đính hôn ra sao trong ngày cưới.

Vào ngày cưới

Để chuẩn bị cho nghi lễ trao nhẫn, cô dâu nên chuyển chiếc nhẫn đính hôn sang tay phải, có thể đeo ở ngón giữa, hoặc ngón đeo nhẫn. Chú rể sẽ đeo chiếc nhẫn cưới vào ngón đeo nhẫn bàn tay trái cô dâu.

Phong tục đeo nhẫn cưới ở tay trái bắt nguồn từ Ai Cập cổ đại, nơi mọi người tin rằng ngón đeo nhẫn ở bàn tay trái là nối với tim. Khi đeo nhẫn vào ngón tay này, chú rể tin tưởng rằng, tình cảm của mình cùng chiếc nhẫn sẽ gần nhất với trái tim cô dâu.

Sau ngày cưới

Sau hôn lễ, việc đeo nhẫn cưới và nhẫn đính hôn như thế nào lại có nhiều cách giải quyết.

Theo truyền thống xưa ở phương Tây, nhẫn đính hôn sẽ được đeo ở ngón tay thứ ba của bàn tay trái. Mọi người tin rằng, như vậy nhẫn cưới sẽ chiếm vị trí "độc nhất" và gần trái tim nhất và nhẫn đính hôn sẽ gần ngay cạnh.

Hiện nay, ở phương Tây, không phải cô gái nào cũng theo truyền thống này mà họ linh hoạt hơn bằng cách đưa ra nhiều lựa chọn:

Tiếp tục đeo nhẫn đính hôn ở tay phải

Đeo nhẫn đính hôn ở ngón giữa tay trái, còn nhẫn cưới đeo ở ngón đeo nhẫn tay trai.

Đeo nhẫn đính hôn và nhẫn cưới cùng trên ngón đeo nhẫn tay trái. Trong đó cũng có hai cách "sắp xếp" nhẫn: đeo nhẫn đính hôn rồi tới nhẫn cưới và ngược lại: đeo nhẫn cưới trước rồi tới nhẫn đính hôn.

Đeo nhẫn đính hôn ở bất cứ ngón tay yêu thích nào.

Với các cô dâu Việt, không có quy định nào về việc đeo nhẫn đính hôn và nhẫn cưới. Bạn có thể tự chọn cách riêng của mình, miễn sao chính bản cảm thấy lựa chọn đó đẹp. Cuối cùng, dù đeo nhẫn đính hôn và nhẫn cưới như thế nào, điều quan trọng nhất là cả hai món đồ trang sức đặc biệt này phải tạo sự thoải mái cho các hoạt động thường ngày./.

Theo Nhật Linh (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam