Loạn tin nhắn quảng cáo BĐS

Theo Sài Gòn Giải phóng đưa tin, anh Nguyễn Nam Bình (quận 10) cũng cho biết, mỗi ngày anh nhận không biết bao nhiêu tin nhắn quảng cáo chào mua căn hộ, nền đất. Anh nói, đang bận mà nghe có tin nhắn thì vẫn phải xem vì sợ nhỡ tin nhắn của người thân, khi xem thấy đó là tin nhắn rác thì quá phiền. Sở dĩ gọi đó là tin nhắn rác là vì hầu hết thông tin đều chung chung, khuếch đại, giá ảo, càng tìm hiểu càng thấy như bị… lừa!

Chúng tôi đã thử tìm hiểu một dự án căn hộ được quảng cáo là “liền kề phố đi bộ, gần trung tâm quận 1, đầu tư là có lời ngay, được vay vốn với lãi suất 0%...” thì sự thật hoàn toàn khác! Một nhân viên môi giới nghe điện thoại của chúng tôi và hỏi lại “Chị quan tâm tới dự án nào?” - có nghĩa là chính nhân viên môi giới cũng không nhớ mình quảng cáo cái gì. 

“Tôi muốn mua căn hộ trong tin quảng cáo chỉ cách phố đi bộ Nguyễn Huệ 5 phút đó”, tôi trả lời. Cô ấy liền thao thao một lèo là có 2 dự án, một cái ở ngã tư Hàng Xanh đi thẳng về Bình Thạnh, một dự án khác ở quận 2… 

Quá bực mình tôi hỏi: “Sao không nói rõ dự án ở quận 2, quận Bình Thạnh mà lại nói gần đường Nguyễn Huệ quận 1 chi vậy, đi kiểu gì mà 5 phút đến được đó?”. Cô nhân viên ậm ừ rồi bảo rằng “đi một chút là tới thôi mà…”. Nghe thông tin như thế, cuộc gọi được cúp không một lời từ biệt! 

Liên hệ vào một số máy quảng cáo khác, anh cò BĐS này thừa nhận đúng là gần phố đi bộ vì dự án nằm… trên đường Bến Vân Đồn, quận 4! “Từ Bến Vân Đồn đổ ra phố đi bộ quận 1 là gần nhất rồi”, anh ta giải thích. Như vậy, khái niệm “liền kề phố đi bộ” phải hiểu là nằm cách phố đi bộ vài cây số! 

Nhiều người sử dụng thuê bao di động đang khổ sở với tin nhắn quảng cáo bất động sản

Kiểu nhắn tin sai sự thật như vậy cũng được các “cò” lập lờ rao rõ là “Đất mặt tiền quốc lộ 1A, nằm trên đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, gần trường đại học, chợ, bệnh viện, chợ đầu mối… chỉ với giá 268 triệu/nền”, nhưng khi anh Nguyễn Mạnh Tùng (quận 2) gọi đến số 0902100… hỏi, thì mới biết giá này chỉ được diện tích nhỏ và không nằm ở mặt tiền. Hỏi kỹ thì lại phát hiện dự án này nằm tận… chợ Long Khánh, Biên Hòa!

Chị Huỳnh Thị Thùy Trang (quận 9) còn bực mình hơn khi nhận tin nhắn ghi rõ “Bán căn hộ 5 sao bậc nhất, 3 hồ bơi, tiện ích đầy đủ, liền kề quận 1, được chiết khấu 7,5%”, nhưng hỏi ra thì cái gọi là liền kề quận 1 đó nằm tận quận 4, dự án mới khởi công, đến khoảng tháng 10/2017 mới giao nhà và để được hưởng chiết khấu thì khách hàng phải thanh toán trước 90% giá trị căn hộ. Như vậy, có nghĩa là phải nộp tiền trước 2 năm mới được hưởng chiết khấu 7,5%, trong khi với số tiền đó gửi ngân hàng thì lãi suất đã gấp nhiều lần, mà không phải chịu rủi ro dự án đóng băng. 

Chị Trang chia sẻ: “Hiện nay, nhiều dự án đã gần hoàn thành nhưng vẫn đóng băng nhiều năm không thể bàn giao nhà. Nếu giao hết 90% để nhận 7,5% chiết khấu thì giống như giao trứng cho ác. Đã thế, sàn BĐS nào cũng tự nâng giá rồi khuyến mãi, cuối cùng số tiền khách hàng bỏ ra mua cũng cùng một giá”.

Tương tự, đọc tin nhắn “Đất nền giá rẻ, gần sân bay quốc tế Long Thành, giá 2,5 triệu đồng/m2, chiết khấu 21%”, anh Lại Mạnh Tường thử gọi thì nhân viên giới thiệu “gần” sân bay chỉ… 10 phút đi xe! Nhân viên môi giới còn “vẽ” thêm, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chuẩn bị dời về đây, trong tương lai đường sá sẽ mở rộng, thuận lợi hơn. 

Hỏi về chiết khấu thì nhân viên cho biết phải mua 9 nền trở lên mới được chiết khấu 21%, còn mua 1 nền chỉ có 1%! Cứ như vậy, càng tìm hiểu thông tin, khách hàng càng thất vọng. Đó là lý do những tin nhắn quảng cáo BĐS hiện nay bị khách hàng xem như tin nhắn rác. “Hễ thấy tin bắt đầu từ 'Chào anh/chị', 'Đất nền', 'Khuyến mãi đặc biệt'… là tôi xóa luôn, khỏi xem vì đã mất niềm tin với tin nhắn quảng cáo như thế!”, anh Tường tuyên bố.

35% tin nhắn nội dung quảng cáo BĐS

Theo Báo đầu tư, thống kê lượng thuê bao phát tán tin nhắn rác, quảng cáo về nội dung sim số chiếm 60%, nội dung bất động sản chiếm 35%, các nội dung khác 5%. Để đối phó với tin nhắn rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đang mạnh tay xử lý nghiêm khắc đối với cả doanh nghiệp và nhà mạng.

Mới đây, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 3 doanh nghiệp số tiền 165 triệu đồng với hành vi phát tán tin nhắn rác.

Không những bị cơ quan quản lý xử phạt mạnh tay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn rác còn bị đối tác là các nhà mạng cắt hợp đồng, ngừng cung cấp đầu số. Tính đến tháng 8/2015, số lượng tổng đài cung cấp dịch vụ nội dung thông tin phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đã bị nhà mạng chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh là 10 tổng đài 1900 và 5 đầu số.

Ngoài ra, lượng thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đã bị chặn là 630.023 thuê bao. Trong đó, lượng thuê bao phát tán tin nhắn rác, quảng cáo về nội dung sim số chiếm 60%, nội dung bất động sản chiếm 35%, các nội dung khác 5%.

Gần đây, một số nhà mạng đã xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, dù lượng tin nhắn rác từ đầu số của doanh nghiệp đã giảm, nhưng các nhà mạng vẫn chưa quyết liệt trong xử lý các thuê bao trả trước không đăng ký thông tin chính xác.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, nếu không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp viễn thông di động thì sẽ không thể ngăn chặn triệt để tin nhắn rác, bởi doanh nghiệp viễn thông di động mới là đơn vị chặn trực tiếp. Cần lấy doanh nghiệp viễn thông di động và quản lý thuê bao di động trả trước làm điểm đột phá để chặn tin nhắn rác./. 

Ngân Chi (Tổng hợp)/ Theo Gia đình Việt Nam