Ngày Quốc tế Thiếu nhi trên thế giới ra đời như thế nào?

Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, quân phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.

Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.

Quốc tế thiếu nhi 1/6 được biết đến là ngày Tết dành cho trẻ em.

Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.

Từ đó đến nay, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày biểu dương các lực lượng đấu tranh chống lại các thế lực chiến tranh, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới.

Lịch sử ngày Quốc tế Thiếu nhi tại Việt Nam

Ngày Quốc tế thiếu nhi đầu tiên tại nước ta diễn ra vào 1/6/1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Khi đó, Trung ương Đoàn  giao cho Ban Huynh trưởng Thiếu nhi (Tiền thân của Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Tham gia Hội trại là hàng trăm các em nhỏ đến từ xã Cao Vân, thiếu nhi một số xã lân cận và một đoàn thiếu nhi nghệ thuật (khu vực chiến khu Việt Bắc). Sự kiện này đã để lại cho những người tham dự ấn tượng sâu sắc, không thể nào quên bởi đây là lần đầu tiên chính thức tổ chức ngày quốc tế thiếu nhi của Việt Nam sau khi nước ta giành được độc lập.

Cũng trong ngày này, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong thư, Bác viết:“Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”.

Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chơi đùa cùng các bé thiếu nhi trong Phủ chủ tịch. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh chơi đùa cùng các bé thiếu nhi trong Phủ chủ tịch. Ảnh tư liệu

Ngày 1/6 được tổ chức hàng năm đã trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ Quốc, đánh dấu bằng các bài phát biểu về quyền của trẻ em và an sinh, các chương trình truyền hình trẻ em, các buổi tiệc, những hoạt động khác nhau liên quan hoặc dành riêng cho trẻ em, gia đình sinh hoạt ngoài trời...

Bố mẹ, ông bà sẽ dành những lời khen và những món quà đến con cháu của mình. Nhà nước ta cũng ban hành Pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân.

Được biết, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em – Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Từ 15/5 đến 30/6 được coi là tháng Hành động vì trẻ em Việt Nam.

Theo Hoàng Giang (tổng hợp)/Reatimes