Biện pháp xử lý rác thải của các quốc gia

Xử lý rác thải là một công việc không hề dễ đối với các nước trên thế giới. Thông thường, 70% lô hàng rác thải có thể được xử lý, 30% còn lại là thực phẩm nhiễm bẩn và không phải tất cả các loại rác đều có thể được tái chế.

Những năm gần đây, hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á đã từ chối nhập khẩu rác vì các vấn đề về vệ sinh môi trường. Từ đó, các nhà hoạt động môi trường đã đưa ra thông điệp rằng mọi người hãy tự xử lý rác của mình.

Đảo rác Semakau nổi tiếng tại Singapore

Số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2016 cho thấy, con người tạo ra 2,01 tỷ chất thải rắn và đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 3,4 tấn. Khoảng 12% số rác thải đô thị năm 2016 là nhựa, tương đương 242 triệu tấn. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều đó? Giải pháp để xử lý đống rác khổng lồ trên không chỉ là từ ý thức của con người mà còn cần những công nghệ hiện đại.

Nhiều nơi, rác được xử lý phục vụ đời sống. Ở Nhật – quốc gia đứng thứ 8 về lượng rác thải trên thế giới và do rất ít đất không có chỗ chôn mà người Nhật phải nghĩ ra cách xử lý hiệu quả nhất. Nước này đã sử dụng đốt rác bằng tầng sôi với những loại rác thải khó cháy. Ngoài ra, 20,8 % tổng lượng rác thải được tái chế lại thành vật dụng hàng ngày.

Còn ở Hàn Quốc, rác thải lại được dùng làm giá nuôi trồng nấm, tạo ra khí bioga phát điện, chôn rác thải để lấy làm phân bón cây trồng... Ở Singapore rác được xử lý theo quy trình khép kín, đốt cháy tạp thành điện khói được lọc cẩn thận để loại bỏ những chất gây ô nhiễm sau đó mới thả vào không khí. Thứ còn lại của quá trình này chỉ còn là tro và cuối cùng được chuyển đến đảo rác để chôn lấp. Đặc biệt, tại đây có một đảo rác nhân tạo gọi là Semakau không hề bị ô nhiễm, mà còn là môi trường sống lý tưởng của các loài côn trùng, chim chóc và là khu du lịch lý tưởng.

Khi rác trở thành một ngành kinh tế

Đối với nhiều quốc gia, rác là vấn đề nan giải và không biết tống nó đi đâu khi không có quy trình xử lý hợp lý. Tuy nhiên, có những quốc gia thì rác trở thành một ngành kinh tế màu mỡ.

Điển hình như ở Thụy Điển, hệ thống xử lý rác tái chế vô cùng triệt để đã giúp cho nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tái chế được 99% lượng rác thải hàng ngày, 55% trong số đó thành điện năng và khí sưởi, phần còn lại thành nguyên vật liệu mới hoặc thành phân bón, khí sinh học.

Rác thải ra môi trường quá ít, chính vì vậy nước này phải nhập khẩu 20% rác từ các nước khác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.

Ở Thụy Điển, rác được phân loại và tái chế đến 99%

Có thể thấy, quốc gia này đang làm rất tốt vòng tuần hoàn kinh tế “sản xuất ra nhựa – tiêu thụ - xử lý rác thành sản phẩm” chính vì thế, rác thải được biến thành nguyên liệu phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng đến môi trường.

Đất nước Hà Lan cũng là quốc gia coi rác thải là tài nguyên. Tất cả những thứ bỏ đi đều được biến thành giá trị. Họ lọc phốt pho, nitơ trong nước tiểu làm phân bón; biến lưới đánh cá cũ thành thảm lót sàn; lấy chai nhựa phế thải làm đường chạy xe đạp, gạch bông, bồn rửa mặt... Nền kinh tế tuần hoàn ở đất nước này tạo ra 7,3 tỷ Euro, 54.000 việc làm mới, giảm và sẽ làm tăng GDP từ 1,5 tỷ Euro (trong tình huống bình thường) lên 8,4 tỷ Euro.

Vậy các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nào tham gia chuỗi giá trị của nền kinh tế tuần hoàn không?

Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện và ý thức để tham gia vào vòng tròn kinh tế này. Nguồn rác thải khổng lồ từ ngành sản xuất vẫn đang khiến cho môi trường sống bị thu hẹp và đe dọa.

Trung Quốc đang xây dựng nhà máy biến rác thành điện lớn nhất thế giới

TS Nguyễn Hoàng Nam - Chuyên gia tư vấn chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để làm được điều này thì doanh nghiệp cần phải nhìn nhận lại, phải thay đổi tư duy sản xuất từ khâu thiết kế: " Trước đây kinh tế tuần hoàn chỉ là tận dụng nguyên liệu, chất thải của quá trình sản xuất này làm nguyên liệu cho khâu sản xuất khác. Nhưng bây giờ, phải thiết kế ngay từ đầu để tăng hiệu quả, tỷ lệ thành công của việc tái sử dụng nguyên liệu, chất thải trong quá trình sản xuất".

Làm rõ hơn về vấn đề này, đại diện của Heineken chia sẻ trên truyền thông, ngay từ khi bắt đầu xây dựng dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp đã phải đặt ra hàng loạt câu hỏi để giảm tối đa rác thải trong quá trình sản xuất, để sản phẩm có vòng đời lặp lại. Đồng thời, có thể sử dụng nguồn phế thải hiện hữu để sản xuất sản phẩm hay không, làm thế nào để thu hồi lại bao bì sản phẩm đã qua sử dụng, ngành sản xuất nào có thể tái chế rác thải của doanh nghiệp mình?

Hiện nay, Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn nên gây ra tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường. Việc chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan gồm Nhà nước và doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới