Các thương hiệu còn sót lại

Vào thời kỳ hoàng kim cách đây nhiều năm, các thương hiệu điện thoại Việt ồ ạt ra đời nhưng trong số đó, không ít thương hiệu này lại mang dáng dấp “Da Việt Nam, hồn Trung Quốc” khiến các sản phẩm khó chiều lòng khách bởi mỗi ngày sự khó tính của người dùng càng cao.

Nếu cách đây nhiều năm, Q-Mobile hay HK-Phone từng “làm mưa làm gió” trên thị trường điện thoại từ bình dân đến thông minh. Tuy nhiên, cuộc chiến trên thị trường smartphone đã khiến 2 thương hiệu này đã không còn tồn tại cách đây nhiều năm. Mặc dù, trước đó các sản phẩm được truyền thông rất tốt, thậm chí chiến lược truyền thông của HK-Phone đáng để nhiều doanh nghiệp học tập.

Một người từng trải nghiệm sản phẩm của Q-Mobile cách đây gần 10 năm chia sẻ: “Cách đây 10 năm khi chiếc Iphone 3, Iphone 3S rất đắt đỏ nên không phải ai cũng có thể bỏ tiền ra để sở hữu. Những chiếc điện thoại cảm ứng, thông minh của Q-Mobile đã rất hút giới trẻ và có giá “mềm” hơn rất rất nhiều. Về cơ bản máy dùng tốt, khá bền nhưng phần gia công lại không thực sự tinh tế. Tuy nhiên, sau đó có thể do cạnh tranh rất khốc liệt bởi nhiều hãng điện thoại khác, giá thành rẻ, cấu hình tốt nên Q-Mobile không còn chỗ đứng”.

Hiện nay, trên thị trường smartphone chỉ còn 6 thương hiệu điện thoại Việt nổi bật, đó là: BKAV, Viettel, Vnpt, Fpt, Mobiistar và Asazo. Vậy những thương hiệu này họ đã và đang làm gì để sản phẩm của mình chiếm được lòng tin cũng như có chỗ đứng trên thị trường di động đầy khốc liệt?

BKAV – Bphone

Bphone 3 mới được tung ra thị trường với những hứa hẹn đầy triển vọng.

Ra mắt từ năm 2015, BKAV đã giới thiệu tới người tiêu dùng 2 “siêu phẩm” nhưng do nhiều yếu tố mà chúng đã phải chịu không ít “gạch đá” từ dư luận. Dù vậy, CEO Nguyễn Tử Quảng vẫn quyết tâm sản xuất một chiếc điện thoại thông minh “made in Việt Nam” thực sự từ BKAV.

Mới đây, ngày 10/10, Bphone 3 đã được tung ra thị trường với những hứa hẹn đầy triển vọng.

Mobiistar

Là một thương hiệu ra đời cách đây 9 năm, Mobiistar gây ấn tượng với nhiều người bởi những dòng smartphone chạy Android giá hấp dẫn, thiết kế đẹp mắt.

Khi mới ra mắt, hãng di động Việt chỉ bán những sản phẩm giá rẻ khoảng vài trăm ngàn đồng nhưng đến nay Mobiistar đã phần nào khẳng định được vị thế của mình khi là doanh nghiệp giữ thị phần lớn nhất trong số các hãng điện thoại nội địa, chiếm hơn nửa trong số những chiếc điện thoại Việt bán ra kể từ đầu năm 2018 tới nay.

 Mobiistar đang giữ thị phần lớn nhất trong số các hãng điện thoại nội địa.

Cuối tháng 5/2018, “ngôi sao” của smartphone Việt Mobiistar đã mạnh tay chi tiền và chính thức trở thành nhà phân phối độc quyền trên sàn thương mại điện tử Flipkart của Ấn Độ. Có thể nói đây chính là bước đệm cho Mobiistar vươn ra khu vực và thế giới.

Viettel, VNPT, FPT

Tuy hoạt động trong ngành viễn thông nhưng 3 ông chủ lớn này vẫn lấn sân sang lĩnh vực điện thoại và cho ra thị trường một vài sản phẩm, chủ yếu thuộc phân khúc rẻ hoặc cực rẻ. Viettel đã ghi dấu ấn với người tiêu dùng nhờ một số model tiêu biểu như: V8404 và V8403. Giá bán ra khá hợp với túi tiền người có thu nhập thấp, khoảng 1.500.000đ.

Sau 4 năm phát triển, thương hiệu Vivas của VNPT đã cho ra đời 5 smartphone nổi vật với tên gọi lần lượt là S1, S2, S2 Eco, S2 Pro và S3.

Asanzo

Cũng như Viettel, VNPT, FPT, đây là công ty sản xuất ti vi nhưng lại có tham vọng lấn sân sang kinh doanh điện thoại di động. Gia nhập thị trường hồi tháng 9 năm ngoái, Asanzo khá trầm lắng so với các hãng smartphone nội địa khác. Họ lựa chọn cho mình phân khúc giá rẻ, nổi bật như S2, S3 có giá lần lượt là 1.900.000 đồng và 2.500.000 đồng. Đây là mức giá giảm gần 50% so với 2 sản phẩm S5 và Z5 trước đó.

Mặc dù sức tiêu thụ của các hãng còn “sót” lại này có vẻ ảm đạm nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mang nhiều tham vọng tiến vào thị trường smartphone. Điển hình là VinSmart, thuộc Tập đoàn Vingroup được thành lập với số vốn 131 triệu USD để thâm nhập vào thị trường điện thoại thông minh. Đơn vị này đã xác nhận bằng động thái hợp tác với BQ – nhà sản xuất điện thoại đứng thứ 5 Tây Ban Nha.

Theo công ty VinSmart, việc tham gia vào lĩnh vực này nhằm khẳng định quyết tâm của Vingroup trong việc hướng tới nền sản xuất dựa trên tri thức và khoa học, góp phần nâng cao hiệu suất cho kinh tế Việt Nam, cũng như nắm giữ lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và phức tạp như sản xuất smartphone.

 Cuộc đua trong ngõ hẹp

Theo số liệu thống kê từ hãng phân tích Counterpoint Research, thị trường smartphone Việt Nam đang có sự tăng trưởng, nhưng tổng thể thị trường đang suy giảm tới 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới có mức tăng trưởng âm và có mức sản xuất giảm 3% so với cùng thời điểm năm ngoái. Công ty này chỉ sản xuất 78 triệu chiếc smartphone so với 80 triệu chiếc smartphone cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, thị trường di động Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh mẽ, khi có sự tham gia của các hãng Trung Quốc. Xiaomi, Oppo, Vivo và Huawei đang ngày càng lấn lướt các ông lớn như Samsung hay Apple và có ý muốn soán ngôi 2 hãng này.

 Các thương hiệu điện thoại Trung Quốc đang làm thay đổi mạnh thị phần smartphone Việt Nam.

Như vậy, các thương hiệu Việt đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi dư địa phát triển cho các doanh nghiệp nội địa khá hẹp. Điều đó được thể hiện ngay trong bảng xếp hạng thị phần smartphone tại Việt Nam. Các hãng nội địa chỉ chiếm 3%, trong khi Samsung vẫn là gã khổng lồ dẫn đầu thị trường với thị phần 46,5%.

Tiếp theo là Oppo, thương hiệu lớn thứ hai với 19,4% thị phần. Nó đã vượt qua Apple chỉ trong vòng 5 năm.

Apple giữ ở vị trí thứ 3 với mức thị phần 9,2% và nó đang bị các thương hiệu của Trung Quốc qua mặt như  Xiaomi, Vivo hay Huawei. Khi các hãng này đang nỗ lực mở rộng thị trường tại Việt Nam và tăng trưởng không ngừng qua các năm. Nổi bật nhất phải kể đến Xiaomi, nó có tốc độ tăng trưởng về số lượng xuất khẩu lên tới 100%.

Theo ông Lê Hoàng Long – người đồng sáng lập hãng HKphone một thời đình đám của Việt Nam, hãng đang trên đà phát triển tốt nhưng khi Oppo xâm nhập vào thị trường nước ta, họ đã bị mất thị phần dần dần và rồi phải tuyên bố phá sản.

“Các hãng điện thoại của Trung Quốc có nguồn vốn quá khủng nên họ luôn dùng mọi cách để có thể đập chết các đối thủ khác, cạnh tranh từ giá đến công nghệ. Nếu chúng ta không có hướng đi thận trọng thì sẽ rơi vào kết cục buồn mà thôi”, ông Long chia sẻ.

Như vậy, chúng ta đang yếu cả thế và lực trên sân chơi đầy tính gay co này. Câu hỏi đặt ra là liệu VinSmart, Mobiistar, Asazo hay BKAV có tìm ra được hướng đi đúng và giành được thị phần trong miếng bánh smartphone hay không?

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới