Hậu mãi tốt - điều cốt lõi làm nên thành công

Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp thành công.

Các thương hiệu lớn trên thế giới như Apple, Samsung, LG, Nokia hay các thương hiệu đến từ người hàng xóm của chúng ta như: Oppo, Huawei, Xiaomi… luôn cố gắng đem đến cho khách hàng những trải nghiệm về dịch vụ và chăm sóc tốt nhất.

Hậu mãi luôn là bài toán để các doanh nghiệp trong cuộc chiến thị phần di động luôn phải đưa ra và thay đổi với mục đích làm hài lòng khách hàng. Thế nhưng, những gì BKAV thực hiện trong những năm vừa qua có thực sự tốt và tất cả người từng dùng Bphone có hài lòng về dịch vụ chăm sóc khách hàng của họ hay chưa?

Chăm sóc khách hàng tốt là một trong những yếu tố quan trọng giúp một doanh nghiệp thành công.

Trên một diễn đàn công nghệ nổi tiếng, bài viết “Bphone kỳ truyện” được một thành viên đăng tải với mục đích giúp người dân cũng như khách hàng dùng di động hiểu rõ hơn về vấn đề trên. Đương nhiên, bên cạnh câu chuyện này, bản thân thành viên này cũng mong muốn phía BKAV nâng cao sự chuyên nghiệp, chế độ bảo hành, hậu mãi tốt hơn.

Trong bài viết này, vị khách hàng đã phải 5 lần lội đi từ Phú Thọ xuống Hà Nội để bảo hành chiếc Bphone của mình nhưng anh vẫn chỉ nhận được chiếc máy báo lỗi, camera báo nóng, cảm biến vân tay lúc nhận lúc không, cảm ứng loạn xị ngầu…

Còn với anh Hưng (Vĩnh Phúc) cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Điện thoại của anh bị hỏng khung nhôm và anh sẵn sàng trả phí để nhận được máy có chất lượng nhưng BKAV đã không hỏi ý kiến anh mà tự ép lại khung nhôm và dán lại màn hình. Kết quả là khung vẫn cong, màn hình bị trầy xước ở mép.

Tôi thấy như họ đem máy ra cho một cửa hàng ven đường làm vậy, hơ lửa hoen ố nhìn rất lởm. Họ không có tí trách nhiệm gì thì sao khách hàng muốn quay lại mua”, anh Hưng bức xúc nói.

Không ít thành viên trên các diễn đàn, mạng xã hội còn cho rằng, "có một bàn tay nào đó" là người của BKAV đã can thiệp vào những bài viết về những lỗi bắt gặp ở sản phẩm Bphone. Thậm chí, ở các group những người dùng Bphone, phía BKAV còn yêu cầu cấp quyền admin...

Bphone cần làm gì để thành công?

Kể từ khi Bphone ra mắt năm 2015 đến nay nó đã luôn thu hút được sự chú ý của người dân Việt Nam và thế giới, khen chê đủ cả. Nguyên nhân một phần bởi BKAV truyền thông quá "nổ", trong khi thực tế sản phẩm chưa thật sự gây ấn tượng mạnh. Do vậy, để thành công, Bphone cần học hỏi kinh nghiệm của hãng lớn đi trước, cải tiến cách làm mới và khắc phục được những hạn chế. Như vậy, Bphone mới mong có thể chinh phục niềm tin của người tiêu dùng Việt.

Ngay từ đầu, Bkav đã định vị Bphone là smartphone cao cấp và quyết không ngồi "chung chiếu" với smartphone đến từ nước láng giềng. Theo nhiều chuyên gia, đây là hướng đi sai lầm của CEO Nguyễn Tử Quảng.

Hơn một thập kỷ trước, những chiếc iPhone đầu tiên nhận được khá nhiều lời khen nhưng cũng phải hứng chịu nhiều "gạch đá" khi bị cho là đắt đỏ, màn hình cảm ứng không có bút, không có bàn phím vật lý, không có 3G... nói chung là không hoàn hảo. Khi đó, không ai nghĩ iPhone có thể lặp lại thành công như iPod. 

Chúng ta cũng khó có thể quên được dòng máy Galaxy S của Samsung, nó từng chỉ là những chiếc smartphone ra mắt làng nhàng qua các kênh nhà mạng Mỹ, trước khi trở thành một trong những dòng smartphone chủ đạo trên toàn cầu như hiện nay.

 Muốn thành công, Bphone cần học theo mô hình của những hãng điện thoại lớn trên thế giới.

CEO Nguyễn Tử Quảng đã từng nói, BKAV luôn tin rằng, trí tuệ người Việt không hề thua kém ai. Đây sẽ là hướng đi khó, nhưng nó sẽ là cơ hội thành công cho Bpone vì có thể giữ được thế chủ động dựa trên năng lực công nghệ.

Bphone muốn thực hiện được mục tiêu vươn ra thế giới của mình thì cần phải giải quyết tốt câu chuyện hậu mãi, bảo hành, chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, BKAV mới chỉ đưa ra thế hệ thứ 3, còn quá sớm để nói lên điều gì trong khi đó các thương hiệu lớn những năm qua đã ra hàng chục, thậm chí hàng trăm sản phẩm đến tay người dùng.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới