Nghiên cứu này dựa trên mẫu 2.501 trường hợp được báo cáo từ cơ sở dữ liệu quốc gia Mỹ, số lượng chấn thương đầu và cổ liên quan đến sử dụng điện thoại di động đã được tìm thấy tăng dần trong 20 trở lại đây.

Nghiên cứu này kết luận "sự phụ thuộc ngày càng tăng vào điện thoại di động trong cuộc sống hiện đại" là nguyên nhân gây gia tăng các chấn thương.

Từ năm 1998 đến 2017 đã có hơn 76.000 chấn thương liên quan đến điện thoại trên toàn nước Mỹ. Những thương tích này bao gồm các vết thương trực tiếp, như ai đó tự đánh rơi hoặc bị đánh bằng điện thoại; các thương tích liên quan đến sử dụng; các thương tích do điện thoại làm phân tâm.

Nếu trẻ em dưới 13 tuổi chiếm phần lớn các chấn thương trực tiếp, thì người lớn có nguy cơ bị chấn thương liên quan đến điện thoại cao hơn, tập trung cao nhất ở những người trên 50 tuổi.

Các chấn thương thường do nhắn tin trong khi lái xe và nhìn chằm chằm vào điện thoại khi tản bộ. Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp được 90 người bị thương vì bị phân tâm khi chơi trò "Pokémon Go" chỉ ở Mỹ. Có 95% nạn nhân được về nhà sau khi sơ cứu và không cần điều trị. Dù vậy, nghiên cứu này mới chỉ tính đến các chấn thương đầu và cổ, chứ chưa tính tới tổn thương ở các bộ phận khác. 

Nghiên cứu cũng nhận thấy, cả hai loại chấn thương tăng trên tăng vọt sau khi iPhone đầu tiên được phát hành. 

Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện của họ không nhắm vào điện thoại là một tội đồ mà tập trung nâng cao nhận thức về những rủi ro gây ra bởi điện thoại di động. "Hiện nay, ngày càng có nhiều dòng điện thoại thông minh ra đời thu hút sự chú ý của người dùng, điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải đảm bảo sử dụng điện thoại thông minh an toàn. Cụ thể, các nhóm tuổi có nguy cơ cao nên được giáo dục ý thức dùng điện thoại để ngăn ngừa thương tích không cần thiết", các nhà nghiên cứu viết.

Trên thực tế, tai nạn do điện thoại thông minh xảy ra rất nhiều, không chỉ là chấn thương đầu cổ mà còn cả các vụ tai nạn gây thương vong khi cắm cúi vào màn hình điện thoại khi đi đường.

Năm 2016, đoạn phim từ camera quan sát ghi lại sự việc một phụ nữ đang cắm cúi dùng điện thoại thì bất ngờ trượt chân rơi xuống sông. Xác của cô được tìm thấy vào sáng hôm sau. Năm 2017, cũng tại Trung Quốc, một cô gái 20 tuổi vì quá chú tâm vào điện thoại đã bước hụt xuống khoảng trống giữa các thanh sắt của nắp cống. Cuối cùng, hai người đàn ông đi đường buộc phải sử dụng xà beng mượn từ cửa hàng gần đó để giúp cô thoát thân...

Tuy nhiên, rất ít quốc gia có luật lệ giành cho những người dùng điện thoại hay những người gây ra tai nạn khi dùng điện thoại.

Vô cùng nguy hiểm nếu dùng điện thoại khi lái xe

Bang New South Wales của Australia đã trở thành nơi đầu tiên trên toàn thế giới áp dụng việc xử phạt các tài xế sử dụng điện thoại khi đang lái xe thông qua hệ thống camera thông minh. Mức tiền phạt lên tới 344 AUD (Gần 5,5 triệu đồng)/lần vi phạm, đồng thời bị trừ 5 điểm trong tổng số 12 điểm trên bằng lái xe.

Nhật Bản cũng là đất nước mạnh tay xử phạt tài xế dùng điện thoại khi lái xe. Những người tái phạm có thể đối mặt án tù lên tới 6 tháng hoặc bị phạt tối đa 100.000 Yên (Hơn 21 triệu đồng). Ngoài ra, những người dùng điện thoại gây "nguy hiểm trong giao thông" sẽ được xem là một tội hình sự. Nếu bị kết án, người vi phạm sẽ bị phạt tù tới 1 năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 300.000 Yên (gần 65 triệu đồng).

Tại Việt Nam, trong hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật giao thông đường bộ, mặc dù khung pháp lý về quy tắc giao thông được quy định trong luật tương đối đầy đủ và có điều khoản sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông nhưng vẫn tạo nên những tranh cãi pháp lý trong việc xác định chủ thể và hành vi vi phạm.

Theo Mộc My/Đô Thị Mới