Hiện nay có một số trường THPT thử nghiệm thi giữa kỳ trên máy tính, điện thoại. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nếu thực hiện được thì… hay quá!

Theo phương án của Bộ GD&ĐT, từ năm 2021 sẽ thí điểm việc thi THPT Quốc gia trên máy tại một số nơi. Hiện nay, một số trường học đã bắt đầu cho học sinh làm quen với phương thức thi này. Cụ thể, đầu tuần nay, học sinh khối 12 Trường THPT Trần Hữu Trang (TP HCM) làm bài thi giữa kỳ hai môn Toán, Tiếng Anh bằng hình thức online. Học sinh được sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, laptop có kết nối internet để trả lời các bài kiểm tra trắc nghiệm trong thời gian 45 phút/môn.

Trước đó, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) cũng đã áp dụng hình thức thi trên máy tính với Toán theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Phòng thi có 32 học sinh, mỗi em làm bài trên máy tính kết nối với website thi trực tuyến trong 45 phút. Đề thi gồm 25 câu trắc nghiệm, được chia thành nhiều mã đề. Sau khi thi, học sinh biết điểm ngay sau khi kết thúc bài thi. Sau khi tổ chức thi, các trường này cho rằng, kết quả của hoạt động này dù có chút bỡ ngỡ ban đầu, song đã tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, thi cử vì hầu hết học sinh đều có laptop, điện thoại thông minh.

Trên đây chỉ là hai trong số những trường THPT tại TP.HCM đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, trong đó có hình thức kiểm tra. Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, các trường phổ thông tại thành phố sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, từ năm 2018 - 2020, 5 trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền, Nguyễn Du thực hiện thí điểm mô hình trường học thông minh. Việc thí điểm này trên cơ sở xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử.

Dù chỉ có ít trường áp dụng đưa điện thoại, laptop, máy tính vào thi cử, song trong bối cảnh sắp tới dự kiến sẽ áp dụng thi THPT Quốc gia trên máy tính, nên được dư luận xã hội quan tâm. Đánh giá về những hình thức thi cử theo dạng online (trực tuyến qua máy tính, điện thoại), GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: "Áp dụng công nghệ vào dạy và học là một xu thế của thế giới, trong đó đối với Việt Nam tổ chức thi trên máy tính được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người. Ứng dụng công nghệ thông tin vào thi cử là một tất yếu, chúng ta không thể ngoài cuộc, thông qua việc này kích thích học sinh học tập, nghiên cứu thông qua mạng internet. Nếu làm được điều này, tôi cho rằng sẽ rất hay".

Máy móc vẫn có thể bị can thiệp

Tuy nhiên, GS.TS Phạm Tất Dong cũng đặt ra băn khoăn: "Cần đẩy nhanh đối với thi cử trên máy tính, một hệ thống giáo dục trong thời đại kỹ thuật số, một nhà trường thông minh cần có hình thức tổ chức thi tương ứng, nước ta có một thuận lợi đó là tiếp cận với công nghệ thông tin nhanh. Tuy nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc đảm bảo thi cử cũng là điều cần tính toán kỹ, nếu đầu tư thì quá lớn, còn nếu cho phép doanh nghiệp tham gia cung cấp hạ tầng, dịch vụ công nghệ. Trường hợp mua sắm lượng máy tính lớn mà từ nguồn ngân sách, nếu tổ chức không hiệu quả sẽ là một sự lãng phí".

Cho rằng việc tiếp cận với thi cử trên điện thoại, máy tính ở các trường THPT tại các thành phố lớn học sinh tương đối thuận lợi, bởi được làm quen, sử dụng các thiết bị điện tử này, nên khi áp dụng vào thi thật sẽ không là đáng lo, theo thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), vấn đề không đáng lo với máy tính, mà cần nhất là bộ đề thi. Quá trình tổ chức thi online cần nhất là yếu tố đề thi, có đảm bảo được sự công bằng, phù hợp với kỳ thi hay không. Ngân hàng dữ liệu đủ đảm bảo chung với tất cả học sinh hay không, cần nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng.

"Tôi cho rằng, thao tác của học sinh trên các thiết bị điện tử cũng không quá lo ngại, vì hầu hết các trường đều có các phòng máy tính, học sinh được học môn tin học. Tuy nhiên, khi tổ chức thi online phải tính đến khả năng bị tác động đến đề thi, kết quả hay không, vì máy móc dù sao cũng là do con người làm chủ. Vẫn có sự can thiệp để làm sai lệch kết quả" - Thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.

Tại cuộc họp bàn về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2020 kỳ thi sẽ giữ ổn định như năm 2019. Giai đoạn từ năm 2021 - 2025 là kết hợp thi THPT trên giấy và máy tính nhưng tăng dần thi trên máy ở những nơi có điều kiện theo từng năm với sự chuẩn bị kỹ. Còn tại TP.HCM, đã có 5 trường THPT thí điểm mô hình trường học thông minh, trong đó tổ chức thi kiểm tra theo hình thức online (trên điện thoại, máy tính).

Theo Gia đình & Xã hội