Năm 2023 được đánh giá là một năm rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và với hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng trên địa bàn cả nước. Tại Thanh Hóa, theo số liệu báo báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 toàn tỉnh có 902 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, các lĩnh vực có số lượng quay trở lại hoạt động nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 267 doanh nghiệp (chiếm 29,6%); lĩnh vực xây dựng 165 doanh nghiệp (chiếm 18,3%); công nghiệp chế biến, chế tạo 150 doanh nghiệp (chiếm 16,6%). Trong số các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có 813 doanh nghiệp quy mô vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng trở xuống (chiếm 90,1%).

Thanh Hóa: Hơn 1200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2023

Nhu cầu nhập khẩu truyền thống của tỉnh Thanh Hóa tại Mỹ, Trung Quốc, EU gặp khó khăn là một trong các nguyên nhân tác động đến tình hình hoạt động, giải thể các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động năm 2023 là 1.246 doanh nghiệp, giảm 2,8% so với cùng kỳ (319 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; 204 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng; 161 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo). Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có quy mô vốn nhỏ, trong đó: Quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng 1.102 doanh nghiệp (chiếm 88,4%); quy mô vốn từ 10 đến 100 tỷ đồng 118 doanh nghiệp (chiếm 9,5%); quy mô vốn trên 100 tỷ đồng 26 doanh nghiệp (chiếm 2,1%).

Trong năm 2023, Thanh Hóa cũng có 631 doanh nghiệp giải thể (tăng 66,5% so với cùng kỳ). Trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và hoạt động ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 31,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,9%); xây dựng (chiếm 12,5%); kinh doanh bất động sản (chiếm 9,1%).

Có nhiều nguyên nhân tác động đến tình hình hoạt động, giải thể của doanh nghiệp trong năm 2023, như: Nhu cầu của các thị trường nhập khẩu truyền thống của tỉnh Thanh Hóa tại Trung Quốc, EU, Mỹ gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, phải thu hẹp hoạt động sản xuất; giá cả, nguồn cung ứng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thiếu ổn định; lãi suất cho vay duy trì ở mức cao trong phần lớn thời gian của năm 2023, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp...

Theo kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thanh-hoa-hon-1200-doanh-nghiep-tam-ngung-hoat-dong-trong-nam-2023-84419.html