Khủng hoảng niềm tin vào chất lượng thực phẩm 

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2016 cả nước xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.139 người mắc, trong đó có 12 trường hợp tử vong.

Còn gần đây nhất, chiều ngày 20/4, đoàn Giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 cho biết tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm diễn ra nghiêm trọng ở một số địa phương. Cụ thể, đã có tới hơn 1.000 vụ ngộ độc với khoảng 30.400 người mắc, hơn 25.600 người phải nhập viện, trong đó 164 người chết.

Nghiêm trọng hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho hay thực phẩm không an toàn còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư mỗi năm làm khoảng 70.000 người chết và phát hiện hơn 200.000 ca mới.

Cũng theo ông Dũng, kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011-2016 cho thấy tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép gần 8,5%.

Trong hơn 54.700 hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị kiểm tra đã có tới hơn 9.000 vụ vi phạm bị phát hiện. Ở một số địa phương đoàn đến giám sát, các tiểu thương không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc diễn ra phổ biến. 

Trong khi đấy, những vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm lớn với khối lượng lên đến hàng chục tấn thường xuyên bị phát hiện và phanh phui trên báo chí khiến niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường thực phẩm bị lung lay hơn bao giờ hết. 

 Tại nhiều chợ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. 

Người tiêu dùng loay hoay tìm cách tự "cứu" mình

Trước các thông tin liên tiếp về thực phẩm nhiễm khuẩn, không đạt chất lượng, thậm chí là ôi thiu lâu ngày nhưng vẫn được "phù phép" thành thực phẩm tươi ngon trong khi các cơ quan chức năng tỏ ra yếu thế, người tiêu dùng buộc lòng phải tự bảo vệ mình bằng cách tự tìm kiếm nguồn thực phẩm mà họ cho là sạch và an toàn đối với sức khỏe bản thân và gia đình.

Chị Hương Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, trước những thông tin các cơ quan chức năng liên tục xử lý những tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, gần đây chị kỹ tính hơn khi chọn mua thực phẩm cho gia đình, nên thường mua ở những địa chỉ có uy tín, những người bán hàng tin cậy, hoặc nhờ người quen gửi từ quê lên.

Chị cũng cho biết, để chọn được thực phẩm an toàn cho gia đình, chị mất công lựa chọn nhiều hơn và phải mua đắt hơn nhưng cảm thấy yên tâm hơn. “Thà ăn ít đi một chút nhưng được ăn đồ sạch còn hơn” – chị Giang chia sẻ.

Khi được hỏi về những địa chỉ cụ thể mà chị thường lựa chọn để mua thực phẩm cho gia đình thì chị Giang cho biết chị thường chọn mua đồ của người quen, mua online qua người quen giới thiệu hoặc mua ở các cửa hàng có treo biển "Thực phẩm sạch" và được đánh giá là "có uy tín". 

Tuy nhiên, khi được hỏi về các loại nhãn mác, giấy chứng nhận cần thiết đối với các loại thực phẩm an toàn thì chị Giang lắc đầu không biết và chia sẻ rằng việc lựa chọn thực phẩm ở các cửa hàng này chủ yếu dựa vào... kinh nghiệm nội trợ, sự tin cậy do được giới thiệu, cảm nhận cá nhân và vị giác của bản thân mà thôi.

để chọn được thực phẩm an toàn cho gia đình, chị mất công lựa chọn nhiều hơn và phải mua đắt hơn nhưng cảm thấy yên tâm hơn

Để chọn được thực phẩm an toàn cho gia đình, nhiều người mất công lựa chọn nhiều hơn và phải mua đắt hơn.

Còn chị Mai Phương, một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội thì tỏ ra thận trọng hơn khi cho biết chị chỉ chọn mua thực phẩm ở các cửa hàng "có đầy đủ giấy chứng nhận, tem mác trên sản phẩm hoặc thực phẩm do người quen nuôi, trồng".

Tuy nhiên, khi được hỏi cặn kẽ về các loại giấy chứng nhận, nhãn mác bắt buộc phải có thì chị Phương cũng chỉ kể được tem mác ghi tên, địa chỉ và thông tin liên hệ của đơn vị sản xuất, ngày đóng gói, hạn sử dụng,... 

Còn đối với các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, chị Phương cho rằng các cơ sở này cần có Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm,.. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận rằng bản thân chị hầu như không mấy khi chú ý đến các loại Giấy chứng nhận này khi đi mua hàng.

Hơn nữa, do công việc bận rộn nên chị hay đặt hàng online và được cửa hàng giao đến tận nơi nên lại càng hiếm khi tận mắt nhìn thấy các loại Giấy chứng nhận này ở các địa chỉ phân phối, kinh doanh thực phẩm. 

Trong khi đó, nắm bắt được nhu cầu thực phẩm an toàn của người tiêu dùng càng ngày càng lớn nên số lượng các cửa hàng "thực phẩm sạch", "thực phẩm an toàn" đua nhau mọc như "nấm sau mưa" khiến câu chuyện quản lý chất lượng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

Theo Bảo Duy/Reatimes