Trước sự gia tăng về nhu cầu sử dụng nước sạch thì nguy cơ thiếu hụt nước rơi vào khoảng  60.000 m³/ngày đêm trong thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè.

Những khu vực sẽ thiếu nước bao gồm: Khu vực đường Bưởi (quận Ba Đình), Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Chương Dương, Phúc Tân, Hàm Tử Quan, Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 (Đống Đa)…

Tổng nguồn cấp nước sạch hiện nay của các nhà máy nước trung bình trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 900.000 m³/ngày đêm.

Dự kiến đến tháng 05/2016, các công ty sản xuất nước sẽ hoàn thành việc triển khai dự án đảm bảo tiến độ tăng nguồn nước cho hệ thống, thêm khoảng 66.000 m³/ngày đêm.

Đối với nguy cơ vỡ đường ống nước sông Đà ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho người dân, Sở Xây dựng cho biết, hệ thống đường ống cấp nước của các công ty về cơ bản đang đảm bảo cung cấp nước; các sự cố nhỏ được phát hiện, sửa chữa kịp thời.

Riêng đối với tuyến cấp nước từ Nhà máy nước sông Đà cấp về Hà Nội hiện tại, chiếm khoảng 27% tổng sản lượng nước vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao xảy ra sự cố vỡ ống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấp nước cho nhân dân, đặc biệt khu vực phía Tây Nam thành phố.

Những người bị ảnh hưởng bởi tuyến cấp nước này bao gồm 100% khách hàng tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai.

Theo phản ánh, hiện tại, tuyến ống truyền tải nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà đang được vận hành với áp lực thấp hơn so với thời gian trước đây, do vậy càng hạn chế khả năng cung cấp nước cho khu vực trung tâm thành phố.

Mặt khác, tuyến ống số 2 từ Nhà máy nước mặt sông Đà dẫn về Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ tháng 10/2015 và dự kiến vận hành cấp nước trước 30/05/2016 nhưng thực tế báo cáo từ chủ đầu tư cho hay tuyến ống này không thể hoàn thành theo thời hạn để cấp nước trong mùa hè này.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam