Trong 6 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt với lượng khách quốc tế tăng 7,5%. Ngành này cũng đang nỗ lực để đón được 17,5 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng còn lại. Nếu đạt mốc, ngành Du lịch nước ta sẽ cán đích trước 1 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch phát triển nên nhiều nơi chú trọng hơn trong công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Một trong những cách tăng nguồn kinh phí để thực hiện việc này là thu phí thăm quan. Tuy nhiên, ở nước ta hầu hết chỉ có những điểm du lịch tư nhân mới thu phí của khách, còn các điểm du lịch quốc gia vẫn để tự do cho người dân đi lại.

Vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết thu phí đối với khách tham quan các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện Lý Sơn. Theo đó, đối tượng nộp phí là các cá nhân đến tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn huyện Lý Sơn.

Mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng tại xã An Hải và An Vĩnh là 70.000 đồng/người/lượt và phí tham quan danh lam thắng cảnh tại xã An Bình là 30.000 đồng/người/lượt.

Việc thu phí này nhằm phục vụ công tác xử lý vệ sinh môi trường và tôn tạo, bảo dưỡng các di tích, thắng cảnh tại Lý Sơn.

Khi thông tin này được công bố, nó đã nhận được nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều của khách du lịch cũng như người dân.

Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi và một trong những điểm du lịch đẹp nhất cả nước.

Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi và một trong những điểm du lịch đẹp nhất cả nước. 

Thu là đúng…

Đây là ý kiến của nhiều khách du lịch, trong đó có anh Cao Mạnh Tuấn (Hà Nội), một người chuyên làm về du lịch khám phá. Anh thường xuyên dẫn khách du lịch đến Lý Sơn và nhận thấy rằng, nơi đây là một trong những điểm du lịch có phong cảnh đẹp nhất cả nước, nhiều di tích lịch sử,… chưa kể nó còn có vị trí địa lý đặc thù quan trọng, nhưng việc bảo tồn, giữ gìn di tích hay vệ sinh môi trường chưa được đầu tư đúng mức.

“Tôi đã nói chuyện với những người quản lý hay nhân viên ở đây, họ đều là những con người có nhiệt huyết, nhưng được trả lương rất thấp nên nhiều người dù có cố gắng gượng vì lòng yêu du lịch thì cũng chỉ làm được một thời gian rồi phải bỏ việc để tìm kế sinh nhai khác. Việc thu phí có lẽ sẽ khiến họ được trả xứng đáng hơn và yên tâm làm việc hơn”, anh Tuấn chia sẻ.

Cũng theo anh Tuấn, việc bảo vệ môi trường như thu gom rác, tới bảo tồn thiên nhiên, di tích ở huyện đảo Lý Sơn tốn rất nhiều chi phí, nhưng hiện nay kinh phí chi cho việc đó không đủ. Việc thu phí thăm quan du lịch để đầu tư, giữ gìn và phát triển huyện đảo Lý Sơn thành một điểm du lịch nổi tiếng và tươi đẹp cần phải được ủng hộ.

Đồng quan điểm với anh Tuấn, anh Nguyễn Thiên Ân (Hà Nội) đồng ý với quyết định của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng theo anh mục đích thu phục vụ cho những vấn đề gì thì cần phải được rõ ràng.

“Như Thái Lan, họ cũng thu phí môi trường và nó được sử dụng đúng mục đích, người dân cũng như khách du lịch thấy rõ việc đó, chứ không phải thu xong rồi tiền chảy về đâu không biết thì hỏng bét”, anh Ân nói.

 Lý Sơn là một vùng địa lý đặc thù và cần phải được thu phí để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nơi đây.

 Lý Sơn là một vùng địa lý đặc thù và cần phải được thu phí để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nơi đây.

Những năm qua, tình trạng xả rác ra các điểm du lịch ngày càng nghiêm trọng khiến cho các đơn vị quản lý, nhất là các đơn vị bảo vệ môi trường đưa ra mức báo động, chính điều này khiến cho nhiều khách du lịch rất ủng hộ việc thu phí tham quan các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện Lý Sơn để trích một phần kinh phí cho việc giữ gìn vệ sinh môi trường ở nơi đây.

Tiền đó sẽ chảy về đâu?

Mặc dù có rất nhiều người đồng ý với quyết định của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng cũng có không ít người tỏ ra lo lắng, liệu rằng số tiền thu đó có được sử dụng đúng mục đích hay nó sẽ chảy về đâu.

Chị Nguyễn Thị Huệ Anh (TP.HCM), một dân chuyên đi du lịch phượt cho rằng, những tranh cãi đều liên quan tới 2 chữ: Minh bạch. Ở nước ngoài có dịch vụ City tax (hay Tourist tax) - thuế đánh lên khách du lịch thụ hưởng cơ sở vật chất của địa phương mà không phải người đóng thuế ở đó. City tax là bắt buộc, và nó dùng để cải thiện hạ tầng, làm sạch đô thị...

“Việc thu City tax với ý nghĩa trên là hoàn toàn nên. Còn ở Việt Nam, nơi mà mọi thứ không minh bạch, tiền thu về mà hoàn toàn không quản lý, giám sát được rồi lại đánh vào túi tiền của dân (trong đó phần nhiều là dân phượt) thì chắc chắn sẽ bị phản đối.

Nên chúng tôi quan tâm “tiền đó sẽ chảy về đâu” để biết ủng hộ hay không ủng hộ”, chị Anh chia sẻ.

 Tỏi Lý Sơn nổi tiếng khắp cả nước.

 Tỏi Lý Sơn nổi tiếng khắp cả nước.

Còn anh Nguyễn Thành Nhân (Hải Dương) lại đưa ra quan điểm như sau, thu phí bảo vệ môi trường khi khách ra tham quan lặn biển ở đảo bé thì hợp lý. Đảo lớn là đảo dân sinh, du lịch phát triển thì nên đầu tư hạ tầng, quản lý dịch vụ tốt khi đó khách đem tiền tới họ tiêu, tạo ngồn thu lớn cho đảo.

Nhưng anh Nhân cũng lo lắng lắng nói: “Các bạn ủng hộ các bạn đã nghĩ thấu đáo chưa? Thu phí du lịch khi đến một vùng đất nào đó khác hẳn chuyện thu phí khi tham quan một khu bảo tồn thiên nhiên hay một di tích lịch sử. Lý Sơn thu được thì Phú Quốc, Côn Đảo, Ninh Bình, Hạ Long tội gì lại không thu”.

Cũng theo anh Nhân, thu phí của khách du lịch khi đến Lý Sơn trở thành 1 tiền lệ cho những nơi khác, như vậy sẽ xảy ra tình trạng lạm thu đối với khách du lịch.

Ngoài việc lo lắng những điểm du lịch khác sẽ thu phí giống Lý Sơn thì chị Bùi Duy Linh (Hà Nội) còn quan tâm đến vấn đề thu phí của người nước ngoài.

“Cứ cái đà rồi sẽ dẫn đến người nước ngoài đến Việt Nam du lịch phải nộp phí 1-200 usd/ người để Việt Nam bảo vệ môi trường sinh thái. Tôi ủng hộ việc thu phí, nhưng là phí từng phần, thăm đến đâu thu đến đó. Đầu tư cơ sở hạ tầng đi rồi hãy thu. Cứ nghĩ đến chuyện chặt chém du khách mà không hiểu du khách mang lại lợi ích kinh tế cho họ đến mà chán. Tôi không ủng hộ”, chị Linh cho hay.

Như vậy, quyết định thu phí đối với khách tham quan các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện Lý Sơn đã nhận được không ít những ý kiến phản đối bên cạnh việc ủng hộ nhằm thực hiện việc xử lý vệ sinh môi trường và tôn tạo, bảo dưỡng các di tích, thắng cảnh tại nơi đây.

Nhưng dù ủng hộ hay không thì điều cuối cùng khách du lịch mong muốn chính là câu hỏi “Tiền đó sẽ chảy về đâu” sẽ được các đơn vị chức năng ở đây trả lời một cách thỏa đáng. Họ sẽ trông chờ vào hành động từ các đơn vị này để xây dựng Lý Sơn thành một điểm du lịch nổi tiếng khắp cả nước.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới