Báo động tình trạng sử dụng cất cấm cho chăn nuôi

Ngày 12/11, cơ quan chức năng đã bất ngờ tiến hành thanh tra đột xuất và phát hiện Công ty TNHH sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú (trụ sở tại Khu công nghiệp Cẩm Thượng, Thành phố Hải Dương). Cơ quan chức năng phát hiện đơn vị này sử dụng chất vàng ô – một chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tại hiện trường, doanh nghiệp này đang trộn 14 kg vàng ô để sản xuất các loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm.

Chất vàng ô dùng trong chăn nuôi được phát hiện

Đoàn thanh tra đã niêm phong, lập biên bản và lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra xem có chất cấm Salbutamol không (chất tăng trọng), đồng thời yêu cầu doanh nghiệp thu hồi các sản phẩm trên thị trường và tiêu hủy chúng.

Trước đó, ngày 10/11, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Phú Thọ) đã bắt giữ một đối tượng đang vận chuyển trái phép 6 túi thức ăn chăn nuôi, nhãn hiệu Pork do nước ngoài sản xuất. Đây là các loại thức ăn chăn nuôi dùng để tạo nạc, trong đó hàm lượng chất Ractopamine lên tới 1.000mg.

Rượu rắn hổ mang làm từ rắn chết thối

Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã bắt quả tang một cơ sở chế biến, sản xuất rượu rắn trái phép với khối lượng lớn ở khu phố 5, phường Phú Lâm.

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện tổng cộng 15 thùng rắn ngâm vào dung dịch hóa chất, hàng trăm kg rắn chết trong hai tủ đông lạnh đã bốc mùi. Ngoài ra, còn phát hiện hàng chục kg rắn các loại gồm rắn lục, rắn cạp nong, hồ đất... vẫn còn sống. Bên cạnh các loại. Bên cạnh hàng chục thùng rượu thành phẩm, hàng ngàn vỏ chai không đang chờ ra lò roại rượu độc, bẩn để bán cho người tiêu dùng.

Rắn chết bốc mùi vẫn được tận dụng để ngâm thành rượu rắn hổ mang 

Chủ nhà Lê Thị Sa và Lê thị Mơ không thừa nhận sản xuất rượu mà cho một người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh gửi nhờ. Lực lượng chức năng đã thu giữ 234 kg rắn các loại, 12kg rắn sống, 9kg bọ cạp núi và nhiều công cụ để sản xuất rượu hổ mang giả. 

Khô bò làm từ phổi heo và hóa chất

Một cơ sở chế biến khô bò từ phổi heo kém phẩm cùng với hóa chất vừa bị cơ quan chức năng phát hiện. Sau nhiều ngày theo dõi, đoàn liên ngành huyện Bình Chánh bất ngờ kiểm tra địa chỉ 148C/6 ấp 3, xã An Phú Tây do bà Thạch Thị Sa Rương thuê để sản xuất khô bò trái phép.

Đoàn kiểm tra ghi nhận nơi đây là khu đất chật chội, đầy rác rến, nước đọng. Bên trong khu vực sản xuất, nồi nhôm, thau nhựa dơ dáy để đầy trên nền đất. Gần đó, một thau nhựa màu đỏ cáu bẩn đựng đầy khô bò thành phẩm. Không chỉ vậy khô bò còn nằm rơi vãi trên nền đất.

Phổi heo, nguyên liệu để làm khô bò đang được luộc chín và bao chất bảo quản in toàn tiếng nước ngoài, không chứng từ

Thấy một nồi nhôm to đang sôi sùng sục, một thành viên trong đoàn kiểm tra đi tới và mở nắp. Một mùi hôi bốc lên, tỏa ra chung quanh khiến mọi người bịt mũi. Sau khi xem kỹ, nhân viên ghi nhận thứ đang được luộc trong nồi nhôm là phổi heo. Tìm xung quanh lại thấy một thau đựng đầy phổi heo chưa luộc đang bốc mùi thum thủm, đầy ruồi nhặng bu bám. Bà Rương cho biết những phổi heo này mua ở các chợ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Điều đáng quan tâm là đoàn kiểm tra thu được nhiều chai nhựa đựng một loại nước đen, thơm mùi thịt bò. Cạnh đó là một bao nhỏ in tiếng nước ngoài, bên trong đựng thứ bột màu trắng. Một chiếc nồi nhôm cạnh bên chứa một thứ nước sền sệt màu đen còn bốc khói.

Cách chế biến khô bò được bà Rương mô tả: Pha màu, hương bò (loại nước đựng trong chai nhựa) với chất bảo quản (đựng trong bao nhỏ) rồi nấu lên. Phổi heo sau khi luộc được nhúng vô nồi nước gồm màu, hương bò và chất bảo quản để thơm mùi bò và sử dụng được lâu.

“Màu, hương bò và chất bảo quản tôi mua lại của người quen nên không có giấy tờ, chứng từ. Khô bò thành phẩm tôi bỏ mối cho mấy người bán gỏi đu đủ và tiểu thương trong chợ với giá khoảng 30.000 đồng/kg” - bà Rương nói.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận tổng cộng 47 kg khô bò thành phẩm, 31 kg phổi heo đang luộc và 27 kg phổi heo tươi. Bà Rương không đưa ra bất kỳ giấy tờ, chứng từ liên quan hoạt động sản xuất khô bò. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu khô bò thành phẩm, hương bò, chất bảo quản để xét nghiệm.

Tuy nhiên, sau đó bà Rương thừa nhận hành vi sai phạm và tự nguyện làm đơn xin tiêu hủy toàn bộ khô bò thành phẩm, phổi heo, hương bò và chất bảo quản. Bà Rương cũng chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy.

Công nghệ sản xuất "chà bông" cạnh rác thải

Ngày 9/11 PV báo Pháp luật TP.HCM đưa tin đã thâm nhập một số cơ sở sản xuất cơm cháy chà bông trên địa bàn ấp Tân Lập, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn (TP.HCM) và  ghi nhận cảnh tượng cơm cháy được cắt từng miếng vuông phơi đầy tại khu vực có nhiều rác thải, đọng nước gần ngôi mộ. Không chỉ vậy, cơm còn được phơi trên nền đất gần chuồng nhốt gà vịt. 

Khu vực chế biến cơm cháy chà bông đầy bụi bặm. Mạng nhện và bồ hóng bám đầy tường. Dầu chiên cơm đen sì được đựng trong chảo to. Dụng cụ sử dụng chiên cơm cũ kỹ, cáu bẩn.

Chà bông trên nền đất nhiều người qua lại

Chủ cơ sở này cho biết chà bông được mua với giá 75.000 đồng/ký và có nguồn gốc hẳn hoi. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được xem giấy tờ chứng minh nguồn gốc chà bông thì chủ cơ sở nói không có. Chủ cơ sở còn cho biết cơm cháy chà bông được mang bỏ mối ở các quán nhậu với giá 3.000 đồng/gói.

Ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, chủ cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), không giấy khám sức khỏe, cũng chẳng có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm./.

Theo Ngân Chi Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam