Vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học
An toàn thực phẩm đang là vấn đề đáng quan tâm của cả xã hội. Trong môi trường giáo dục thì an toàn thực phẩm lại càng bức thiết hơn khi học sinh bán trú ăn cơm tại trường với số lượng lớn.
Cuối năm 2017, vụ ngộ độc thực phẩm tại trường tiểu học ở quận 2 khiến hơn 140 em học sinh nhập viện và bị nhiễm trùng đường tiêu hóa đã gây hoang mang tâm lý các bậc phụ huynh. Trước đó, trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Thực tế, hầu như các trường học do số lượng quá đông học sinh đã không kiểm soát chặt chẽ nguồn cung thực phẩm hoặc đặt suất ăn từ bên ngoài vào.
Hoặc nếu có bếp thì vấn đề giữ và bảo quản thực phẩm, vệ sinh thiết bị làm bếp không đúng tiêu chuẩn cũng là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Từ vấn đề trên, Sở GD&ĐT TPHCM đã đặt ra mục tiêu phấn đấu ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm bằng việc ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 qua văn bản 522 KH-GDĐT-CTTT.
Nội dung chính của văn bản
Theo đó, từ năm học 2018, tất cả các hình thức ăn uống trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn đều phải tham khảo ý kiến của Sở GD&ĐT TPHCM.
Thực phẩm phục vụ trong nhà trường cũng phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc và hệ thống cảnh báo các sản phẩm không an toàn.
Tất cả các loại thực phẩm vào bếp ăn nhà trường sẽ phải ký kết hợp đồng và đảm bảo thực phẩm có giấy chứng nhận ATTP như GMP, HACCP, ISO 22000,…
Để các hoạt động này được diễn ra nghiêm túc và chặt chẽ thì Sở GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với với Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành lập các tổ ban ngành kiểm tra thường xuyên chất lượng thực phẩm tại các trường.
Sở GD&ĐT cũng sẽ tổ chức buổi diễn tập, xử lý khi có tình trạng ngộ độc xảy ra.
Ban đầu, Sở GD&Đ sẽ thí điểm tại tất cả các đơn vị trường học và các cơ sở giáo dục thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh.
Nếu quá trình thực hiện an toàn thực phẩm trường học suôn sẻ và dễ dàng thì Sở GD&ĐT TPHCM sẽ tiếp tục triển khai phương án thực hiện trên toàn thành phố.