Trong thời gian vừa qua, việc thường xuyên nhận được các cuộc gọi quảng cáo, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ qua điện thoại đã gây ra rất nhiều phiền toái cho người tiêu dùng.
Mặc dù quảng cáo qua điện thoại đôi lúc cũng đem đến những thông tin bổ ích, có lợi cho người tiêu dùng, nhưng việc tổ chức,cá nhân kinh doanh thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng để sử dụng vào các mục đích chưa được thông báo tới người tiêu dùng và chưa được người tiêu dùng chấp nhận là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vậy người tiêu dùng cần làm gì để tự bảo vệ mình khi tham gia vào các giao dịch mua, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ và cần làm gì khi nhận được những cuộc gọi quảng cáo không mong muốn?
Ông Phạm Hoàng Long, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra tình huống: Khi nhân viên bán hàng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thực hiện việc gọi điện đến số thuê bao của người tiêu dùng để quảng cáo sản phẩm, người tiêu dùng có thể hỏi nhân viên bán hàng đang gọi điện thoại: Từ đâu anh/chị có được số điện thoại của người tiêu dùng?
Giải pháp của Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là: Nếu nhân viên bán hàng trả lời không rõ ràng nguồn gốc thu thập thông tin hoặc người tiêu dùng chắc chắn nguồn thu thập thông tin đó không chính xác. Người tiêu dùng có thể yêu cầu nhân viên bán hàng loại bỏ số điện thoại của mình ra khỏi cơ sở dữ liệu quảng cáo của doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 6, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý”.
Vì vậy việc các tổ chức, cá nhân thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng là vi phạm quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, khi tổ chức, cá nhân kinh doanh muốn gọi điện để thực hiện giao kết hợp đồng với người tiêu dùng thì theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ các thông tin chi tiết, cụ thể của mình ngay từ đầu cho người tiêu dùng như tên doanh nghiệp, địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên hệ, nội dung hàng hoá dịch vụ cung cấp …
Ngoài ra, việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện hành vi quảng cáo, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng là vi phạm khoản 2, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vì thế, trong trường hợp người tiêu dùng liên tục nhận được các quảng cáo không mong muốn từ phía tổ chức, cá nhân kinh doanh thì người tiêu dùng có thể thu thập thông tin liên quan và gửi đơn yêu cầu đến các cơ quan chức năng để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
Để lộ thông tin do sự bất cẩn của người tiêu dùng
Việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có được số điện thoại của người tiêu dùng để sử dụng vào mục đích quảng cáo thông thường là do sự bất cẩn của người tiêu dùng trong các giao dịch. Theo ông Phạm Hoàng Long, để phòng tránh, người dùng cần:
- Không phát tán thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ngân hàng, tài khoản hộp thư điện tử, số điện thoại… ra bên ngoài đặc biệt trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin mua bán hàng hóa khi không thật sự cần thiết;
- Khi thực hiện việc giao kết hợp đồng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần đọc kỹ các nội dung của hợp đồng, đặc biệt lưu ý điều khoản cung cấp và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Cần đề nghị tổ chức, cá nhân kinh doanh cam kết thực hiện đúng mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng và chỉ được thực hiện hoạt động này khi được người tiêu dùng đồng ý.
- Hạn chế việc cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không liên quan và khi chưa biết được mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin. Yêu cầu các bên thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng thực hiện đúng các quy định của pháp luật bao gồm những quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về bảo mật thông tin của người tiêu dùng.
Vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng cũng là vấn đề được nhiều nước trên thế giới quan tâm, đặc biệt là việc thu thập số điện thoại của cá nhân để thực hiện các cuộc gọi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Nhiều nước đưa ra biện pháp xử lý rất nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm.
Chẳng hạn, Chính phủ Singapore có những quy định tưởng chừng như “quá đáng” nhưng lại rất cần thiết và hiệu quả trên thực tế, như quy định Đăng ký Không Được Gọi (Do Not Call Registry, DNC). Đây là là một phần trong Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo quy định về DNC thì người tiêu dùng được phép đăng ký số điện thoại của họ với chính quyền để không nhận những quảng cáo, xúc tiến thương mại qua các cuộc gọi, tin nhắn, hay fax. Nếu cá nhân hay tổ chức nào gửi nhắn tin hay gửi fax đến những số điện thoại đã đăng ký DNC này thì người hay tổ chức đó bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tối đa lên tới 10.000 đôla Singapore (khoảng 7.000 USD theo tỷ giá hiện thời) cho mỗi lần vi phạm.
Người tiêu dùng cần chủ động hơn trong việc tự bảo vệ thông tin cá nhân của bản thân trong các giao dịch tiêu dùng, tránh tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng các thông tin đó sai mục đích.
Khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, người tiêu dùng có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương để được tư vấn và giải đáp thắc mắc. |