An Giang là cái nôi của nghề sản xuất cá tra bột và nuôi cá tra thương phẩm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang là cái nôi của nghề sản xuất cá tra bột và nuôi cá tra thương phẩm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ứng dụng nhiều mô hình vi sinh hạn chế sử dụng kháng sinh

ĐBSCL có dòng sông Tiền và sông Hậu với chiều dài mỗi con sông khoảng 220km, điều kiện thủy văn phù hợp nên hoạt động nuôi thủy sản trên các ao ven sông, trên cồn phát triển thuận lợi.

An Giang là cái nôi của nghề sản xuất cá tra bột và nghề nuôi cá tra thương phẩm vùng ĐBSCL. Ngoài ra, tỉnh này còn có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản với các hình thức khác nhau và đa dạng đối tượng nuôi như cá lóc, rô phi, cá nàng hai, lươn đồng, tôm càng xanh.

Những năm gần đây, tỷ lệ hao hụt nuôi thủy sản ngày càng cao, thậm chí có ao nuôi cá, tôm hao hụt hơn 50%, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế người nuôi, do đó ngành nông nghiệp An Giang đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại này.

Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Trong đó, nuôi trồng thủy sản như cá tra, sản xuất giống, lươn, tôm càng xanh toàn đực, cá hô... theo hướng ứng dụng công nghệ cao đều tăng năng suất, sản lượng và lợi nhuận tăng từ 20 - 50%, tùy theo mô hình nuôi trồng.

Ngành nông nghiệp An Giang đã nhân rộng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản và khuyến cáo người dân tăng cường sử dụng các sản phẩm vi sinh và hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa bảo vệ môi trường, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Kết quả bước đầu được đánh giá có sự chuyển biến tích cực và hiệu quả, phương thức sản xuất từng bước thay đổi như giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản, tăng cường sử dụng vi sinh, ứng dụng khoa học và công nghệ kỹ thuật mới, chú trọng tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường, tư duy sản xuất dần thay đổi. 

Theo bà Vân, hiện nay đa phần người dân trên địa bàn nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao giúp giảm rủi ro, tăng thu nhập và sản phẩm đầu ra cũng thuận lợi hơn trước so với cách nuôi truyền thống.

Chính các mô hình nuôi hiệu quả có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hành nuôi tốt theo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng được mở rộng. Tính đến nay diện tích nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn xuất khẩu như ASC, BAP... của An Giang đạt trên 500ha, sản lượng thu hoạch khoảng 270.000 tấn/năm. 

Sở NN-PTNT An Giang chỉ đạo Chi cục Thủy sản An Giang giám sát định kỳ đàn cá tra bố mẹ về mặt thú y thủy sản tại các trang trại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sở NN-PTNT An Giang chỉ đạo Chi cục Thủy sản An Giang giám sát định kỳ đàn cá tra bố mẹ về mặt thú y thủy sản tại các trang trại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tăng cường biện pháp thú y thủy sản cho đàn cá tra

Để duy trì có sản lượng lớn cá tra phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, ngành nông nghiệp An Giang quy hoạch phát triển theo hướng bền vững và tăng cường thú y thủy sản bằng các khuyến cáo đối với các hộ nuôi, HTX và doanh nghiệp có biện pháp phòng bệnh cho cá tra hiệu quả. 

Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết thêm, bình quân, mỗi năm An Giang có diện tích nuôi cá tra trên 1.528ha với sản lượng 440.845 tấn. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức giá dao động khoảng 27.000 - 29.000 đồng/kg (size cá từ 0,8 - 1,2kg). Giá bán cá tra giống dao động khoảng 26.000 - 35.000 đồng/kg.

Để giúp đàn cá tra khỏe mạnh phát triển tốt đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cuối năm nay, Sở NN-PTNT An Giang chỉ đạo Chi cục Thủy sản An Giang giám sát định kỳ đàn cá tra bố mẹ về mặt thú y thủy sản tại các huyện Phú Tân, thị xã Tân Châu, Châu Thành, Châu Phú và TP Châu Đốc… Kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất cá tra thương phẩm và cá ương dưỡng giống cá tra trên phạm vi toàn tỉnh.

Bên cạnh đó còn tăng cường kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường. Thực hiện nhiều đợt quan trắc, giám sát môi trường nước vùng nuôi trọng điểm cá tra tại 7 điểm quan trắc của các huyện Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, An Phú và Châu Phú. Hiện nay, An Giang đang tiếp nhận đàn cá tra bố mẹ, hậu bị chất lượng cao. Mục tiêu bổ sung thay thế dần đàn cá bố mẹ hiện có bằng đàn cá tra cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng, phi lê và kháng bệnh.

Theo ông Trần Anh Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang, từ năm 2017 đến nay, các cơ sở sản xuất cá tra bột của tỉnh đã tiếp nhận được 12.320 con cá tra bố mẹ hậu bị và sinh sản có chất lượng tốt từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II (Viện II) để bổ sung thay thế cho đàn cá tra bố mẹ của cơ sở, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cá tra bột sản xuất cung cấp cho các chuỗi liên kết cá tra 3 cấp của tỉnh.

Số lượng phân bổ cho các cơ sở sản xuất giống trong chuỗi liên kết đề án cá tra 3 cấp, cụ thể: Công ty Việt Úc 1.500 con, Trung tâm Giống thủy sản 3.313 con, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn 3.300 con, Công ty Nam Việt Bình Phú 3.000 con, Công ty Năm Liêu 1.500 con và một số cơ sở vệ tinh của trung tâm giống. Đàn cá được kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển định kỳ theo kế hoạch giám sát, đàn cá hiện phát triển tốt, trong đó đang tham gia sinh sản là 6.600 con.

Nói về triển khai hoạt động liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp của tỉnh An Giang. Ông Trần Anh Dũng cho rằng, đến nay An Giang đã triển khai và hình thành được 3 chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp với thành phần gồm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (cấp 1), Trung tâm Giống thủy sản và các cơ sở vệ tinh sản xuất cá tra bột (cấp 2) và các chi hội ương giống cá tra (cấp 3). Hàng năm sản xuất và cung cấp khoảng 8 - 10 tỷ cá tra bột và khoảng 800 - 1.000 triệu cá tra giống/năm.

Cấp 1, đến nay Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã cung cấp cho tỉnh trên 12.000 con cá tra bố mẹ hậu bị và sinh sản cho các cơ sở cấp 2 của tỉnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cá tra bột sản xuất cung cấp trong chuỗi liên kết.

Cấp 2, gồm Trung tâm Giống thủy sản An Giang và 4 cơ sở sản xuất cá tra bột liên kết với trung tâm và các doanh nghiệp với số lượng cá bố mẹ 26.300 con, năng lực cung cấp 10 tỷ cá bột/năm.

Cấp 3, gồm 3 chi hội sản xuất cá giống là AFA, Châu Phú và Phú Thuận, tổng số hội viên là 54 tập trung ở các địa phương như Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và Thành phố Long Xuyên. Tổng diện tích ương là 251ha, năng lực sản xuất giống là 800 - 900 triệu con/năm.

Về tiến độ triển khai các vùng ương giống cá tra tập trung, đã mời gọi được 4 doanh nghiệp đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao tham gia Đề án cá tra 3 cấp như: Tập đoàn Việt Úc (104 ha), Công ty TNHH MTV Nam Việt (600ha, với 150ha ương giống ở huyện Châu Phú), Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (48,3 ha), Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi (350 ha). Qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng con giống cá tra trong thời gian tới của tỉnh An Giang.

 

 

Lê Hoàng Vũ

Nguồn: https://nongnghiep.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-giup-san-luong-thuy-san-tang-20--50-d358049.html