Phát triển khoa học, du lịch khoa học là hướng đi đặc biệt của Bình Định dựa trên nền tảng và tiềm năng của Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) cùng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa mang lại. Đây là một lợi thế, cũng là nét đặc trưng mà khó có địa phương nào trên cả nước có được.

Quy Nhơn đang dần trở thành điểm đến của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. (Ảnh minh họa: Hoàng Đức Ngọc)

Bên cạnh sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, định hướng này cũng nhận được sự tư vấn và hỗ trợ về mặt ý tưởng cũng như những đóng góp quan trọng từ các nhà khoa học quốc tế về tham dự các hội nghị tại ICISE do GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam kết nối. Hiện nay, Quy Nhơn đang dần trở thành điểm đến của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trong tương lai, thành phố hướng đến mục tiêu sẽ đi đầu trong sản xuất, xuất khẩu sản phẩm trí tuệ nhân tạo và công nghệ phần mềm ở Việt Nam.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Định cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, mới đây nhất có Quyết định số 47 ngày 8/8/2022 của UBND tỉnh ban hành quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời tỉnh đang thực hiện chính sách thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn tại Thông tư số 05 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 22/5/2023 quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Hiện nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định luôn đặt ra mục tiêu phát triển khoa học - công nghệ tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững; đưa khoa học và công nghệ thành nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, đáp ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục xây dựng Bình Định trở thành điểm đến của các doanh nghiệp công nghệ, nhà khoa học trong nước và trên thế giới.

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định cho biết, các giải pháp địa phương đã đề ra gồm: Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với phát triển khoa học và công nghệ; triển khai đồng bộ các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ; tiếp tục triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao.

Thứ hai, tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ góp phần phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường. Triển khai các chính sách về hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế về tổ chức, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ./.

 

Ngọc Lan

Nguồn: https://reatimes.vn/quy-nhon-tro-thanh-diem-den-cua-cac-tap-doan-cong-nghe-20201224000023765.html