CVTD là hoạt động cung cấp các khoản vay tiêu dùng để mua hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình. Các khoản CVTD thường được cung ứng bởi ngân hàng và các CTTC tiêu dùng, dưới các hình thức cho vay mua xe, mua thiết bị gia đình, vay theo lương, qua thẻ tín dụng…

Đối với người thu nhập thấp, dưới chuẩn cho vay của ngân hàng thì dịch vụ CVTD của các CTTC là “cứu tinh”, giúp họ có thể mua sắm các phương tiện, thiết bị phục vụ nhu cầu công việc và nâng cao đời sống…

Tuy nhiên, để vay tiêu dùng an toàn, người đi vay cần phải thật thông thái, cần phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Và trong thực tế, không phải ai cũng xác định được mục tiêu một cách rõ ràng và thực hiện mục tiêu đặt ra khi đi vay tiêu dùng, đã không ít trường hợp, người vay đã không thể trả nợ.

Anh Dũng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, đắn đo mãi, nghe nhiều lời chia sẻ của bạn bè anh mới quyết định mua trả góp chiếc xe máy Honda SH 125. “Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, hỏi qua nhiều bạn bè, tôi quyết định mua trả góp chiếc xe qua CTTC Home Credit vì thấy lãi suất, thủ tục ở đây có vẻ ổn nhất. Một vài người bạn của tôi đã từng vay mua trả góp qua Home Credit nói rằng thủ tục và dịch vụ rất “ok” nên tôi quyết định mua trả góp chiếc xe qua đây luôn.”

Anh cũng chia sẻ thêm, với chiếc xe máy giá hơn 80 triệu đồng, đã bao gồm cả chi phí thủ tục đăng ký, nếu anh không lựa chọn mua trả góp thì không biết bao giờ mới có thể mua được. Thu nhập của anh mỗi tháng là 12 triệu đồng, chỉ cần trả trước không đến nửa giá trị chiếc xe, anh đã có chiếc xe mới để đi.

“Cũng phải tính toán, cân đối thu nhập tôi mới quyết định mua chiếc xe máy qua việc vay trả góp. Thu nhập mỗi tháng 12 triệu đồng, mỗi tháng trả góp chiếc xe máy khoảng gần 4 triệu đồng/tháng, tôi vẫn còn 8 triệu để chi tiêu cho các khoản khác”, anh cho biết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cân đối thu nhập khi đi vay tiêu dùng như anh Dũng. Đã không ít trường hợp, người vay đã không thể trả nợ, hoặc lâm vào cảnh bế tắc trong suốt thời gian trả góp.

để vay tiêu dùng an toàn, người đi vay cần phải thật thông thái, cần phải biết “liệu cơm gắp mắm”.

Để vay tiêu dùng an toàn, người đi vay cần phải thật thông thái, cần phải biết “liệu cơm gắp mắm”.

Cũng là một khách hàng vay tiêu dùng trả góp, chị Thanh Bình (quận Đống Đa) đã quyết định mua trả góp chiếc xe máy với mức đóng hàng tháng chiếm tới quá nửa tháng thu nhập của chị.

Theo lời chị kể lại: “Mỗi khi lĩnh lương xong, tôi cầm hơn nửa số tiền lương mang ra ngân hàng nộp tiền. Một, hai tháng đầu còn thấy bình thường, những tháng sau mọi sinh hoạt của chị như bị đảo lộn.

Chị phải chi li trong ăn uống, không dám mua sắm để tiết kiệm tiền. Suốt gần 1 năm chị không dám ăn, tiêu gì theo sở thích, chưa kể những lúc ốm đau phải đi vay tiền người thân bạn bè cũng chỉ vì “lỡ” mua chiếc xe.

Cũng có nhiều trường hợp đáng tiếc khi đặt bút ký hợp đồng vay tiêu dùng, đã không ít khách hàng dễ dãi, thậm chí là không xem qua nghĩa vụ trả nợ cũng như số tiền vốn, tiền lãi phải trả góp hàng tháng.

Chỉ đến khi xảy ra những khó khăn, khiến họ mất cân đối về tài chính, không thể thanh toán đúng hạn và kịp thời, họ mới xem lại hợp đồng.

Muốn vay tiêu dùng, phải là người thông thái

Lãi suất cho vay của các CTTC thường cao hơn các NHTM vì chi phí vốn cao hơn. do chi phí hoạt động CVTD khá cao vì các khoản vay thường có thời hạn rất ngắn (từ vài ngày đến 1 tháng), giá trị nhỏ; thậm chí, nhiều khoản vay chỉ vài triệu đồng nhưng yêu cầu chung là phải làm thủ tục xét duyệt đơn giản, nhanh chóng, nhân viên tín dụng thường phải đến làm việc tận nơi với khách hàng, khiến chi phí quản lý của các CTTC tăng lên.

Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC (cả trong nước và nước ngoài) phổ biến khoảng 20-30%/năm, cao hơn so với mức lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh của các ngân hàng thương mại (khoảng 10-13%/năm). Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với nhận thức của người vay tiêu dùng.

Theo các chuyên gia tài chính tư vấn, có 4 mẹo nhỏ để giúp khách hàng trở thành người vay tiêu dùng thông minh, tránh được vòng xoáy nợ nần: Trước tiên, hãy nghĩ thật kỹ xem bạn có thật sự cần vay tiền và lên kế hoạch chi tiết, thận trọng về việc hoàn trả tiền.

Tiếp đó, cần đọc thật kỹ các điều khoản và điều kiện. Trước khi “gõ cửa” một vài tổ chức tài chính xem họ có sản phẩm gì, cần so sánh thế mạnh của các đơn vị với nhau cũng như tìm hiểu kỹ về các mức phí phạt lẫn lãi suất mà bạn sẽ phải chịu nếu chấp nhận vay.

Là khách hàng, phải có trách nhiệm với các điều khoản trong hợp đồng vay mà họ đã ký kết. Việc thanh toán trễ hạn, chắc chắn sẽ bị phạt theo các quy định trong hợp đồng. Nếu không thực hiện trả nợ theo quy định của hợp đồng thì người đi vay có thể bị người cho vay khởi kiện và tranh chấp sẽ được xử lý tại cơ quan pháp luật.

Do đó, việc thận trọng khi ký kết khoản vay không chỉ giúp một khách hàng trở thành người tiêu dùng thông thái mà còn giúp các hợp đồng vay tiêu dùng trở nên dễ thực hiện và không tạo ra áp lực nợ nần cho người vay.

Cân nhắc khả năng trả nợ cũng là lưu ý rất quan trọng. Đừng bao giờ vay vốn, nếu đang thất nghiệp hay không có dự trữ tài chính. Bởi ký kết khoản vay lúc này sẽ khiến người vay rơi vào tình trạng không có khả năng trả nợ và khoản vay thì ngày càng phình to vì các loại phí phạt chậm trả nợ.

Vốn vay tiêu dùng được xem như là “chiếc phao” đắc lực cho những người chưa đủ khả năng tài chính vào thời điểm hiện tại có thể  thỏa mãn các nhu cầu tiêu dùng như ý muốn. Vậy nên, trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào, khách hàng  cũng cần phải tìm hiểu kỹ càng, xem xét đầy đủ các điều kiện của hợp đồng cũng như các kế hoạch tài chính trong tương lai của bản thân và chỉ tham gia hợp đồng vay khi đã đảm bảo đủ khả năng thanh toán.

Box: Cách tính toán chi tiêu khi vay tiêu dùng: Lấy tổng thu nhập của cả gia đình trừ đi mức chi tiêu trung bình hàng tháng của gia đình. Sau đó, cần chừa ra một khoản cho những trường hợp cần thiết mà bạn suy nghĩ có thể xảy ra. Phần tiền còn lại là phần có thể dùng để chi trả cho các khoản góp hàng tháng.

Theo Duy Phan/Gia đình Việt Nam