Ngày 09/6/2015, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam của Công ty CPHH Vedan Việt Nam. Sau khi xem xét hồ sơ, Bộ Công Thương đã xác nhận đơn yêu cầu của Bên yêu cầu là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Ngày 1/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 9269/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.

Sản phẩm bị điều tra: Bột ngọt với mã HS: 2922.42.20.

Các doanh nghiệp sản xuất bột ngọt trong nước gặp khó khăn khi lượng nhập khẩu tăng đột biến trong các năm 2012 - 2014. Các doanh nghiệp trong nước đã yêu cầu có điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt. Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp sản xuất bột ngọt trong nước gặp khó khăn khi lượng nhập khẩu tăng đột biến trong các năm 2012 - 2014. Các doanh nghiệp trong nước đã yêu cầu có điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt. Ảnh minh họa.

Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại điều 13 của Pháp lệnh Tự vệ, các Bên muốn đăng ký làm Bên liên quan có thể gửi đăng ký tới Cơ quan điều tra (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương). Đơn đăng ký làm Bên liên quan của vụ việc phải được gửi tới Cơ quan điều tra.

Bản câu hỏi điều tra sẽ được gửi đến các Bên liên quan sau ngày ra quyết định điều tra. Tất cả các Bên liên quan có thể nêu quan điểm của mình về vụ việc này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định điều tra vụ việc. Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm xem xét tất cả các thông tin, chứng cứ, quan điểm của các Bên liên quan trước khi đưa ra kết luận về vụ việc.

Theo quy định tại điều 18 của Pháp lệnh Tự vệ, thời hạn điều tra không quá 6 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 2 tháng tiếp theo.

Theo quy định tại điều 20 của Pháp lệnh Tự vệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra, nếu xét thấy việc chậm thi hành các biện pháp tự vệ gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau.

Theo quy định tại Điều 10, Pháp lệnh 42/2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, tỷ lệ đại diện của bên yêu cầu là 25% tổng sản lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước.

Hiện tại, Vedan chiếm 46,95% tổng sản lượng bột ngọt được sản xuất trong nước, do đó Vedan cũng đã đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ đại diện theo quy định tại Pháp lệnh 42.

Tuy nhiên, không chỉ riêng Vedan, Công ty TNHH Miwon Việt Nam cũng ủng hộ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của Vedan đối với mặt hàng này.

Do đó, bên yêu cầu là Vedan và các bên ủng hộ hiện chiếm tới 59,19% tổng lượng sản xuất hàng hóa tương tự ở trong nước. Tỷ lệ này đáp ứng được yêu cầu về ngành sản xuất trong nước theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 150 của Chính phủ ngày 8/12/2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Công thương từ số liệu mà bên yêu cầu điều tra cung cấp, có dấu hiệu cho thấy mặt hàng bột ngọt nhập khẩu có sự gia tăng đột biến trong giai đoạn từ 2012 - 2014 cả về tương đối và tuyệt đối.

Vedan và các bên ủng hộ đã chịu thiệt hại về các chỉ số như: Sản lượng sản xuất giảm; Hệ số sử dụng công suất giảm; Thị phần, doanh thu, lợi nhuận, lao động đều giảm; Tồn kho bột ngọt tăng, chi phí sản xuất tăng nhưng giá bán lại không tăng.

"Có mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến và thiệt hại nghiêm trọng gây ra cho bên yêu cầu", quyết định điều tra nhấn mạnh./.

Quý Dương / Theo Ngày nay Online