Việt Nam tham gia EVFTA, cơ hội có thể nhìn thấy trước mắt nhưng để nắm bắt được sẽ không dễ dàng bởi châu Âu là một thị trường lớn nhưng rất khó tính, đòi hỏi những quy chuẩn, tiêu chuẩn  cao đối với hàng nhập khẩu, nhất là nông sản.

Hiệp định Thương mại tự do mới được ký kết gần đây nhất và được quan tâm nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Đây được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, đáng chú ý là các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, do nhóm này được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều nông sản thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…

Vì vậy, để không bỏ lỡ cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản do EVFTA mang lại, ngành nông nghiệp cùng các đoàn thể, hội nghề nghiệp… đã và đang có kế hoạch ứng phó với áp lực, thách thức, thay đổi từ việc xây dựng chính sách, thực thi pháp luật, thay đổi cách thức làm ăn… hướng đến mục tiêu, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản trong nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội.

viet nam tham gia evfta co hoi de tai co cau nganh nong nghiep
Việt Nam tham gia EVFTA, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn từ các loại nông sản hàng hóa nhập khẩu. 

Sự thay đổi này không chỉ cần thiết để phục vụ cho xuất khẩu nông sản mà chính là nâng cao năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà. Với EVFTA và những hiệp định thương mại tự do khác, ngoài cơ hội xuất khẩu, ở chiều ngược lại, hàng hóa nông sản của các nước châu Âu sẽ có điều kiện thâm nhập vào Việt Nam. Thị trường hàng hóa nông sản trong nước vì thế phong phú, đa dạng hơn; người tiêu dùng được hưởng lợi, có thêm nhiều sự lựa chọn mới, nhất là với nông sản chế biến, sản phẩm chăn nuôi - vốn là lợi thế của hàng hóa nông sản châu Âu.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tham gia EVFTA và trước đó là CPTPP sẽ khiến thịt lợn bên ngoài thâm nhập sâu vào Việt Nam. Đây là mặt hàng thực phẩm chủ lực của Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ lớn. Thịt lợn từ châu Âu là hàng hóa đông lạnh, tuy độ tươi, hương vị khó bằng sản phẩm cùng loại trong nước nhưng với công nghệ chăn nuôi hiện đại, quy mô lớn, giết mổ tập trung trên dây chuyền hiện đại nên giá thành sản phẩm nhập khẩu thấp hơn nhiều.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ngành chăn nuôi trong nước hiện nay vẫn theo phương thức chăn nuôi truyền thống, quy mô nhỏ, thiếu sự kết nối, hợp tác nên nguyên liệu đầu vào chăn nuôi bị đẩy giá thành cao… Việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn và hiện dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, nguy cơ thiếu nguồn cung có thể nhìn thấy trước mắt trong thời gian tới.

Thách thức nhìn thấy trước mắt là với ngành chăn nuôi, sau đó là một số nông sản hàng hóa chủ lực khác do hiện nay, khâu chế biến ở trong nước kém, chủ yếu là xuất bán hàng hóa dạng thô, chưa quan tâm đến xuất xứ hàng hóa, bao bì đóng gói và những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, trong thời điểm này, tổ chức lại sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu sống còn với các địa phương, vùng sản xuất, các DN và nông hộ.

Trong đó, cần có sự chuyển dịch quy mô, phương thức sản xuất từ hình thức kinh tế nông hộ sang kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất đa chiều giữa DN với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị; hình thành và phát triển các HTX kiểu mới, huy động sự tham gia của hộ sản xuất và nông dân, nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất và quản trị của lãnh đạo HTX…

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy vai trò trong việc nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện tốt công tác dự báo, định hướng thị trường, xây dựng và ban hành cơ chế áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là các khâu nguyên liệu đầu vào, chăm sóc, thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/viet-nam-tham-gia-evfta-co-hoi-de-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-157300.html

Theo Pháp luật xã hội