Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa sau 11 tháng năm 2019 ghi nhận xuất siêu 9,1 tỷ USD trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,6 tỷ USD.

Điện thoại, linh kiện... vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt nam

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch hàng hóa đạt 232,31 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong 11 tháng có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD như điện tử, máy lạnh và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại linh kiện, sắt thép;…

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 68,7 tỷ USD; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc 43,6 tỷ USD; thị trường ASEAN 29,6 tỷ USD; Nhật Bản 18,1 tỷ USD; thị trường EU 13,4 tỷ USD; Hoa Kỳ 13 tỷ USD;...

Với xuất khẩu, tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 74,74 tỷ USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực FDI đạt 166,7 tỷ USD, chiếm tới 69%. Một số mặt hàng xuất khẩu lớn trong 11 tháng qua như điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính; hàng dệt may; giày dép,…

Hoa Kỳ vẫn là thị trường hàng hóa xuất khẩu lớn nhất của nước ta với 55,5 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU 38 tỷ USD; Trung Quốc 37,4 tỷ USD; thị trường ASEAN 23,4 tỷ USD; Nhật Bản 18,6 tỷ USD; Hàn Quốc 18,4 tỷ USD;...

Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn như điện tử, linh kiện, hàng dệt may, giày dép, nông thủy sản... đang trong cao điểm xuất khẩu cho những đơn hàng đã ký kết. Dự kiến, xuất khẩu tháng cuối năm sẽ đạt từ 22,5 - 23,2 tỷ USD góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019 hoàn thành chỉ tiêu 265 tỷ USD.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam