Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 3/1.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt khoảng 13,5% so với năm 2022, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là từ 14 - 15%. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn thấp thì đây vẫn là mức tăng trưởng khả quan.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại họp báo Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024.

Với mức tăng trưởng trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, năm 2023 ngành ngân hàng đã cung ứng thêm cho nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. “Đây là con số rất lớn”, ông Tú nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức 15%, và khác các năm trước là giao rải rác, năm nay Ngân hàng Nhà nước phân bổ hết ngay từ đầu năm.

Với mức tăng trưởng này, ông Tú cho biết, sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế qua kênh cho vay của hệ thống ngân hàng.

"Đây là mức tăng trưởng định hướng và sẽ có điều chỉnh theo tình hình thực tế thị trường. Nếu cầu tín dụng tốt, nhu cầu vốn nền kinh tế cao, mức tăng trưởng tín dụng có thể là 16% chứ không chỉ 15%”, ông Tú nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, theo chủ trương của Chính phủ.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thêm rằng nhà điều hành sẽ cân đối để một mặt khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế nhưng cũng đảm bảo nợ xấu được phản ánh khách quan, tránh nợ xấu âm ỉ trong nền kinh tế.

Về nhiệm vụ năm 2024, bên cạnh việc điều hành hiệu quả lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng nhà nước sẽ quyết liệt hơn trong xử lý ngân hàng yếu kém.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin, đến nay hệ thống ngân hàng được đảm bảo an toàn. Tất cả các ngân hàng 0 đồng, ngân hàng SCB đang hoạt động ổn định.

Nói riêng về ngân hàng SCB, ông Tú cho biết đây là lần đầu tiên có ngân hàng yếu kém quy mô lớn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý từng bước. Bước đầu là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, tiếp theo là duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng. “Trong năm 2024 sẽ quyết liệt hơn trong việc xử lý ngân hàng yếu kém”, ông Tú cho hay.

Theo kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/vnd-chi-mat-gia-2-trong-nam-2023-84317.html