Rạng sáng 12/4 vừa qua, 4 nhà xưởng tại ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng. Do kho xưởng có nhiều vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, đồ gỗ nên vụ cháy nhanh chóng lan rộng ra xung quanh và khó khống chế.

Sau 4 giờ chữa cháy, vụ hỏa hoạn mới được dập tắt hoàn toàn. Bước đầu cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy do chập điện.

Theo ông Phùng Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND phường Trung Văn, các nhà xưởng trong vụ cháy xây dựng trên đất lấn chiếm ven sông Nhuệ.

Khu nhà xưởng bị cháy không có giấy phép xây dựng. Ảnh: Nhật Tân

Khu nhà xưởng bị cháy không có giấy phép xây dựng. Ảnh: Nhật Tân

“Dọc hai bên sông Nhuệ thì không riêng gì phường Trung Văn mà có rất nhiều, lên tới hàng nghìn hộ. Nếu có chủ trương, giải tỏa được hết thì là điều tuyệt vời. Vì để như thế thì tiềm ẩn nhiều vấn đề khác về trật tự xã hội, như vừa xảy ra vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản sáng 12/4”, ông Dũng nói.

Trước câu hỏi của phóng viên về tình trạng mấy năm gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà xưởng tạm trên địa bàn, ông Dũng xác nhận tình trạng này, đồng thời cho biết, các cơ sở tái chế nhựa thì khó đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy.

Ông Dũng cho biết, chính quyền cũng đã và đang rà soát nhưng chưa hết đồng thời đề nghị, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn về phòng cháy chữa cháy. Theo ông Dũng, sau vụ việc, chắc chắn thành phố sẽ có chỉ đạo giải quyết triệt để tình trạng này, đặc biệt có kế hoạch quản lý đất dọc sông Nhuệ.

Dọn dẹp các phế phẩm rác sau vụ cháy nhà xưởng tại quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thái Trang

Dọn dẹp các phế phẩm rác sau vụ cháy nhà xưởng tại quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thái Trang

Theo ghi nhận của phóng viên, khu nhà xưởng tại ngõ 1, phố Đại Linh, phường Trung Văn không phải là khu vực duy nhất nơm nớp những nguy cơ về PCCC. Tại khu phố này, có nhiều hộ làm nghề này thu gom đồng nát, mua lại nilon, chai lọ, nhựa phế thải để sản xuất, các chế phẩm tập kết trong khu dân cư khiến gia tăng nguy cơ cháy, nổ.

Tại các đường, ngõ ngách khu vực này thường bắt gặp những đống phế liệu chất ngổn ngang, nhiều điểm lấn chiếm cả đường giao thông. Tại các khu vườn, những vựa rác lớn được tập kết, chất thành từng đống lớn. Các loại phế phẩm bao tải, nilon còn chất rải rác khắp các ngõ ngách, gây mùi xú uế, mất mỹ quan đô thị. Những vật liệu dễ gây cháy, nổ có trong những vựa đồng nát, từ những hộ “làm rác” đang uy hiếp đến sự an toàn của người dân. Trong khi đó, các gia đình làm nghề này không lường trước được hiểm họa tiềm ẩn.

Tương tự, tại khu vực xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) có nhiều hộ gia đình “làm rác”; trong đó, làng Triều Khúc là nơi có nhiều gia đình mưu sinh theo nghề này hơn cả.

Còn tại Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, Khu đô thị Đại Kim, ngay cạnh UBND phường, sát các cơ quan chức năng của chính quyền phường Đại Kim, nhưng một loạt bãi đỗ xe và trông giữ xe ô tô không phép vẫn ngang nhiên tồn tại. Nhiều nhà xưởng, nhà hàng không đảm bảo PCCC vẫn hoạt động như những “kho bom” trong các khu dân cư đông đúc.

Tại tuyến phố Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) thường xuyên xuất hiện các xe cồng kềnh chở rác. Đây cũng là tuyến phố tập trung hàng chục hộ gia đình “làm rác”, thu gom đồng nát, phế liệu, gây nguy cơ cháy, nổ. Ảnh: Thái San

Tại tuyến phố Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) thường xuyên xuất hiện các xe cồng kềnh chở rác. Đây cũng là tuyến phố tập trung hàng chục hộ gia đình “làm rác”, thu gom đồng nát, phế liệu, gây nguy cơ cháy, nổ. Ảnh: Thái San

Nói về vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện nay các cụm, điểm làng nghề chưa được rà soát cụ thể. Ngoài việc quan tâm đến nước thải thì cũng phải quan tâm đến mất an toàn PCCC. Do đó, cần phải bổ sung vào danh sách theo dõi.

Còn theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong 86 cụm công nghiệp, có 19 cụm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, vấn đề PCCC cơ bản được đáp ứng. Còn các cụm khác do ban quản lý dự án cấp quận, huyện, xã quản lý đang đầu tư dở dang. Sở đã trình văn bản lên thành phố yêu cầu kiểm tra, rà soát, bổ sung xây dựng hạ tầng còn thiếu. Ngoài ra, còn 1.350 làng nghề, làng có nghề công tác PCCC gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, mất an toàn....

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cơ quan chức năng không thực hiện triệt để nên công trình vi phạm vẫn tồn tại. Và hậu quả của sự không triệt để, sự hời hợt của chính quyền sở tại là hàng loạt sinh mạng con người đã ra đi một cách oan uổng, là những đứa trẻ, những thanh niên còn tràn đầy sức trẻ không còn cơ hội sống, là nước mắt những người ở lại, là cha mẹ già còm cõi, cạn nước mắt tiễn con, là những đứa trẻ mất mẹ, mất cha…

Nhật Tân

Theo Giadinh.net.vn