Wi-Fi Sense cho phép bạn bè tự động kết nối đến mạng wifi của bạn mà không cần mật khẩu. Nó là giải pháp thuận tiện hơn nhiều khi ai đó đến nhà bạn cũng hỏi “mật khẩu wifi của cậu là gì”.

Ngược lại, bạn cũng có thể dùng wifi Sense để kết nối máy tính Windows 10 đến mạng wifi của bạn bè.

Điều này nghe có vẻ an toàn hơn là phải nói ra mật khẩu vì chắc hẳn nhiều người đang dùng chung mật khẩu wifi cho nhiều tài khoản cá nhân khác hoặc trót đặt mật khẩu quá khó nhớ.

Dù vậy, Wi-Fi Sense lại khiến không ít người hoảng sợ.

Wi-Fi Sense có an toàn?

Wi-Fi Sense được kích hoạt mặc định trên Windows 10 nhưng nó không tự động chia sẻ mạng wifi của bạn. Bạn phải kích hoạt thủ công bằng cách click vào ô “Share network with my contacts”.

Sau đó, tất cả bạn bè trên Facebook, Skype, Outlook.com của bạn đang dùng máy tính chạy Windows 10 sẽ tự động kết nối đến mạng wifi nếu trong phạm vi cho phép.

Wi-Fi Sense lưu mật khẩu wifi của bạn trên máy chủ Microsoft

Với Wi-Fi Sense, họ không cần nhập mật khẩu để bắt đầu sử dụng wifi (nếu họ dùng Mac, iPhone hay Android, bạn vẫn cần nói ra mật khẩu). Tất nhiên, họ không thể chia sẻ mạng wifi của bạn với bạn bè khác của họ.

Wi-Fi Sense lưu mật khẩu wifi của bạn trên máy chủ Microsoft. Nó được mã hóa nên nếu bị hacker tấn công, mật khẩu chỉ hiện ra dưới dạng các ký tự vô nghĩa.

Windows 10 cũng không cho phép chia sẻ mạng wifi doanh nghiệp đang sử dụng các phương thức bảo mật đặc biệt.

Vì sao Wi-Fi Sense đe dọa bảo mật?

Song, sẽ thế nào nếu ai đó trong danh sách liên lạc Outlook.com lại là kẻ luôn theo dõi bạn? Bạn có muốn người đó kết nối đến mạng của mình không? Wi-Fi Sense không cho phép bạn chia sẻ mạng với một cá nhân cụ thể, chỉ có hai lựa chọn: Tất cả hoặc không ai hết.

Wi-Fi Sense không cho phép bạn chia sẻ mạng với một cá nhân cụ thể

Khi ai đó truy cập mạng của bạn, mọi thứ tồi tệ đều có thể xảy ra: Họ có khả năng đột nhập các thiết bị khác cũng kết nối đến mạng đó, bao gồm cả máy tính và smartphone, sau đó đánh cắp dữ liệu trên thiết bị như ảnh, email, thông tin cá nhân.

Dù vậy, Microsoft khẳng định khi chia sẻ mạng wifi qua Wi-Fi Sense, bạn bè của bạn không thể tiếp cận các máy tính, thiết bị khác hay tập tin lưu trên mạng.

Bạn chỉ cần tắt tính năng có tên “network discovery” để ngăn cản người khác nhìn thấy máy tính, thiết bị nào cũng đang kết nối với mạng wifi của mình. Điều đó khiến việc ăn cắp dữ liệu khó xảy ra hơn.

Có nên ngừng sử dụng Wi-Fi Sense?

Thực tế, bạn an toàn khi dùng Wi-Fi Sense. Những kịch bản trên đều có thể xảy ra nhưng đều đang được cường điệu.

Kể cả viễn cảnh tồi tệ nhất, một kẻ nào đó đang dùng Wi-Fi Sense để ăn trộm các tấm ảnh khỏa thân của bạn, hắn sẽ cần phải ôm máy tính ngồi gần nhà bạn để thực hiện hành vi tấn công của mình.

Tuy nhiên, nếu là người thuộc tuýp “cẩn tắc vô áy náy”, bạn có thể ngừng sử dụng Wi-Fi Sense. Windows 10 cho phép làm điều này trong mục cài đặt (mất vài ngày để đăng ký).

Bạn cũng có thể loại bỏ mạng của mình khỏi Wi-Fi Sense bằng cách thêm cụm “_optout” phía cuối tên mạng wifi.

Duy Minh (Tổng hợp)/Theo Ngày nay Online