Bộ Công thương cho biết, tháng 3/2019, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh có xu hướng giảm theo thị trường thế giới. Ngày 29/3/2019, tại Đắk Lắk giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy đạt lần lượt 233 đ/độ TSC và 238 đ/độ TSC, giảm 27 đ/độ TSC so với cuối tháng 2/2019.

Theo ước tính, xuất khẩu cao su trong tháng 3/2019 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 152 triệu USD, tăng 38,3% về lượng và tăng 44,5% về trị giá so với tháng 2/2019, tăng 43,5% về lượng và tăng 32,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu bình quân giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2018 xuống còn 1.318 USD/tấn.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su ước đạt 347 nghìn tấn, trị giá 457 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 17,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2019, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cao su đều tăng so với cùng kỳ năm 2018.

xuat khau cao su tang manh ve chat luong va gia tri
Xuất khẩu cao su tăng mạnh về chất lượng và giá trị

Trong đó, xuất khẩu cao su tổng hợp đạt 42,52 nghìn tấn, trị giá 56,2 triệu USD, tăng 102,3% về lượng và tăng 79,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 53,5% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong tháng. Cao su Skim block xuất khẩu tăng 2.366%, cao su SVR 20 xuất khẩu tăng 315,6%, cao su SVR 3L tăng 42,9%... Ngược lại, lượng cao su CVR 5 xuất khẩu giảm 30%, SVR CV 50 xuất khẩu giảm 7,6%...

Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt là 64,2%, 9,3% và 3,4%. Giá cao su xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2019 đạt 1.288 USD/tấn, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Ở chiều ngược lại, ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 3/2019 đạt 59 nghìn tấn với giá trị đạt 104 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 161 nghìn tấn với giá trị 277 triệu USD, tăng 6,4% về khối lượng và tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 2 tháng đầu năm 2019 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Thái Lan, chiếm 54,8% thị phần. Trong 2 tháng đầu năm 2019, giá trị nhập khẩu cao su tăng mạnh nhất tại thị trường Canada (+2,98 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị nhập khẩu cao su giảm mạnh là thị trường Mianma (-79,9%).

Dự báo trong năm nay, mức tăng trưởng tiêu thụ cao su thiên nhiên của toàn cầu sẽ chậm lại, ở mức 2,5%/năm, thêm nữa bất cứ động thái nào của Mỹ áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô từ Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu cao su tự nhiên, đây cũng là nước nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi phải tìm kiếm những thị trường mới, tránh phụ thuộc vào những thị trường lớn như trước đây.

Tùng Linh

 

Theo tbck.vn