Các nhà bán lẻ phải làm gì trước ‘nổi lo’ sức mua yếu
 

Lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ chịu áp lực nặng nề từ sức cầu yếu do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình xuất khẩu khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, cộng hưởng với gánh nặng từ môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt bởi các công ty tài chính tiêu dùng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, cho thấy tiêu dùng nửa đầu năm 2023 chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%). Mặc dù, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng và ghi nhận mức tăng trưởng dương (+8,7% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng doanh thu 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của giai đoạn trước COVID-19, từ năm 2015-2019.

Nhìn nhận về khoảng thời gian còn lại từ nay đến cuối năm 2023, có 2/3 số doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng rằng tình hình thị trường bán lẻ sẽ phần nào có cải thiện hơn so với nửa đầu năm, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm chạp. Trong khi đó, 1/3 số doanh nghiệp còn lại có góc nhìn tiêu cực hơn cho rằng, với dư âm tiêu cực của giai đoạn tiêu thụ yếu và thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn sẽ dai dẳng. Do đó, sự phục hồi cần nhiều thời gian hơn và nhiều khả năng sang nửa cuối năm 2024 mới quay trở lại bình thường.

Các nhà bán lẻ phải làm gì trước ‘nổi lo’ sức mua yếu
Báo cáo mới nhất về các doanh nghiệp (DN) bán lẻ hôm 22/9 của Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chỉ ra sáu yếu tố thách thức hàng đầu của DN bán lẻ trong năm 2023

Trong kết quả khảo sát của mình, hãng Vietnam Report nhận định, các áp lực đối với doanh nghiệp bán lẻ khá tương đồng với nửa đầu năm đã qua. Câu chuyện sức mua yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự trì trệ của nền kinh tế chưa thể một sớm một chiều được giải quyết và tiếp tục là hai mối lo chính với sự đồng thuận của lần lượt 100,0% và 92,9% số doanh nghiệp.

Trong khi đó, sức nóng từ môi trường cạnh tranh gay gắt trong ngành thể hiện qua các cuộc chiến giá nửa đầu năm dù có dịu bớt trong nửa cuối song vẫn thuộc top 3 thách thức lớn nhất được doanh nghiệp điểm tên.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, sức ép lên tỷ giá gia tăng trong thời gian gần đây, với tác động từ sự ngược chiều của chính sách tiền tệ trong và ngoài nước cũng như thanh khoản tiền đồng dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu. Trước tình trạng này, 42,9% số doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ lo lắng và nhận định biến động tỷ giá là khó khăn lớn ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm.

Dù vẫn có những lo lắng nhất định về rủi ro lạm phát, chi phí lãi vay, chi phí vận hành cao hay lượng hàng tồn kho lớn nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá đây là những thách thức lớn nhất phải đối mặt trong nửa cuối năm giảm so với 6 tháng đầu năm.

Điển hình là áp lực từ chi phí lãi vay cao và tồn kho lớn so với cùng kỳ được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ lắng xuống trong hai quý cuối năm, nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện khi nhiều quyết sách được đưa ra để kích thích nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ cũng như người tiêu dùng.

Để giải quyết những khó khăn và thách thức đó, trong thời gian tới, trên 63% số doanh nghiệp trong ngành cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình thành viên… để cải thiện sức mua.

Tuy nhiên, Vietnam Report nhìn nhận, không phải tất cả các chương trình khuyến mãi đều mang lại hiệu quả. Chính vì thế, khi thực hiện kích cầu tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải có nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ, dữ liệu để phân tích xu hướng tiêu dùng. Trong đó chú ý sự dịch chuyển mua sắm đa kênh, để từ đó xây dựng kế hoạch khả thi hơn. Song song với đó, chú trọng đến kiểm soát chi phí để tối ưu lợi nhuận là một giải pháp quan trọng được DN bán lẻ chỉ ra trong năm nay.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp việc tập trung phát triển theo chiều sâu, tối ưu chi phí vận hành cửa hàng, tồn kho, danh mục hàng hóa, chi phí logistics… và sẵn sàng cắt giảm chi phí của những cửa hàng hoạt động không hiệu quả, cũng được cho là chiến lược mang tính thiết thực.

Dù vậy, theo Vietnam Report, xét về trung và dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỉ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỉ USD trong vài năm tới.

Đạt Bùi

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/cac-nha-ban-le-phai-lam-gi-truoc-noi-lo-suc-mua-yeu-109606.html