Có nhiều người cho rằng, việc doanh nghiệp số 1 về mặt hàng Nước giải khát đi đến cùng vụ kiện giống như con dao hai lưỡi. Doanh nghiệp được minh oan, danh dự được trả lại, vực dậy niềm tin từ Người tiêu dùng (NTD) nhưng họ cũng phải chịu những tổn thất về hình ảnh, doanh số trong thời gian trước đó.

Nói về vấn đề này ông,  Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (Nay là sở Công thương Hà Nội), nguyên Phó ban Phòng chống buôn lậu TP Hà Nội Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng Tân Hiệp Phát đã hành xử xứng đáng với tầm cỡ của một doanh nghiệp lớn. Chấp nhận những thiệt hại để làm sáng tỏ đến cùng sự việc.

Ông Vũ Vinh Phú

Sâu xa hơn nữa trong vụ án này, cần làm rõ ai đứng sau những hành động của NTD Võ Văn Minh. Có hay không việc mượn Người tiêu dùng để hạ bệ doanh nghiệp.

“Việc chơi bẩn, bôi nhọ cá nhân đã là vi phạm cần bị xử lý theo quy định pháp luật. Nếu hành động chơi bẩn nhằm nhắm tới việc hạ bệ cả một doanh nghiệp, tập đoàn lớn thì càng phải bị xử lý nghiêm minh. Chỉ có điều chế tài xử phạt của chúng ta hiện nay chưa nghiêm, kể cả trong những vấn đề nóng như buôn lậu, ma túy.

Động thái của Tân Hiệp Phát không chỉ để bảo vệ chính doanh nghiệp mà còn góp phần lập lại kỷ cương thị trường kinh tế, pháp luật của đất nước.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhấn mạnh, bất kỳ một doanh nghiệp nào, nếu lỡ rơi vào tình huống như Tân Hiệp phát cũng cần có động thái mạnh mẽ, không nên lo sợ những tổn thất trước mắt, kiên quyết không có sự thỏa hiệp nào với NTD để tránh việc a dua, bao che cho những hành động “cạnh tranh thiếu lành mạnh”. Việc khẳng định lại thương hiệu, chất lượng là một giải pháp hiệu quả, mạnh mẽ trong việc thuyết phục khách hàng.

Bên lề Hội nghị tổng kết Công tác chống hàng giả, hàng nhái cuối năm 2015, ông Vũ Vinh Phú cũng nêu rõ hiện trạng nhức nhối về hàng giả, hàng nhái hiện nay.

“Trước đây chỉ có hàng lậu, nay còn có cả hàng giả hàng nhái, thì vấn đề này càng trở nên phức tạp hơn. Trong khi đó chế tài xử phạt của luật pháp Việt Nam trong lĩnh vực này chưa nghiêm, Chưa một địa phương nào dám khẳng định mình đã thành công trong việc chống hàng giả hàng nhái.

NTD đang phải vừa chấp nhận vừa phản đối. Chấp nhận vì nó trẻ, còn phản đối là do những nguy hại trong vấn đề an toàn thực phẩm dẫn đến nguy cơ bệnh tật”.

Theo ông Vũ Vinh Phú, vấn đề này cần giải quyết cấp bách và trường kỳ. Không thể ngày 1 ngày 2 nhưng cũng cần phải bắt tay vào thực hiện ngay.

“Có những hàng giả làm ở nước ngoài nhưng lại được đưa vào VN tiêu thụ trong khi mác vẫn gắn là hàng “made in Việt Nam”, mà là những thương hiệu có tên tuổi như May 10, Việt Tiến.

Ví dụ như doanh nghiệp dởm của Trung quốc nhái hàng may Việt Tiến, May 10 rồi gắn mác 2 doanh nghiệp này để bày bán khắp thị trường Việt. Nhiều người biết nhưng không thể xử lý được vì không tìm ra được doanh nghiệp dởm đấy là ở đâu. Vì thế, trách nhiệm tẩy chay hàng nhái, hàng giả thuộc về cả xã hội chứ không chỉ còn là của cơ quan chức năng nữa”, Ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Theo chuyên gia này, căn gốc  của nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan là do các doanh nghiệp chưa đẩy mạnh thương hiệu.

“Tôi được biết, những mặt hàng điện tử như Rạng Đông, Điện Quang, làm sao có thể làm giả đc vì thương hiệu quá mạnh, quản lý tốt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nên chống được hàng giả một cách triệt để.

Còn những doanh nghiệp làm ăn lơi lỏng, sản xuất hàng hóa nhưng không quan tâm đến việc phối kết hợp thông tin với cơ quan chức năng trong việc bảo vệ sản phẩm thì rất dễ bị làm nhái. Kinh nghiệm trong công tác chống hàng giả cho thấy, hễ những mặt hàng nào bán mạnh thì ngay lập tức sẽ bị làm giả”, ông Phú nói.

Luận bàn vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị HN kêu gọi các doanh nghie phải liên kết, hợp tác; đẩy mạnh các giải pháp về bảo vệ thương hiệu; hàng hóa phải có mẫu mã, bao bì đàng hoàng, chặt chẽ.

Chuyên gia kinh tế này đưa ra con số thống kê về công tác chống hàng giả, hàng nhái năm 2015 của cả thế giới là 2000 tỉ USD, bao gồm cả những mặt hàng tiêu dùng và thuốc men.

Hiện tượng ung thư với tỉ lệ tử vong tăng mạnh và phổ biến do vấn đề thực phẩm là một vấn nạn mà chúng ta cần bắt tay thực hiện để thay đổi. Mà đầu tiên là việc thay đổi chế tài xử phạt những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm luật sản xuất.

“Với những doanh nghiệp, cá nhân sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng có dấu hiệu liên tục, tái diễn thì cần cấm kinh doanh vĩnh viễn chứ không phải tạm thời”, ông Phú nêu quan điểm.

Theo nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là sở Công thương), chế tài xử phạt các doanh nghiệp làm nhái hiện nay chẳng khác nào “gãi lưng”.

“Họ lợi 100 tỉ thì tiền phạt chỉ có 100 triệu, chẳng đáng là bao. Phải làm thế nào để chúng run tay, sợ hãi và hết đường làm nhái các sản phẩm”, chuyên gia kinh tế bày tỏ.

Cũng theo ông Nguyễn Vinh Phú, hiện nay chúng ta đang buông lỏng vấn đề quản lý sản phẩm, chưa chịu trách nhiệm đến cùng.

Hệ thống phân  phối siêu thị, cửa hàng lẻ, siêu thị cần được kết nối sản xuất phân phối chặt chẽ. Một hộp sữa Vinamilk sản xuất xong đi đâu, làm gì, bán như thế nào, hết hay còn, đã quá thời hạn hay chưa, liệu các nhà sản xuất có nắm được? Khó có thể khẳng định. Phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay bán xong là xong. Như thế là buông lỏng quản lý.

Điều này vô tình tạo điều kiện cho hàng giả hoành hành, lấn lướt, tồn tại trong thị trường, gây thiệt hại không chỉ cho Người tiêu dùng, nền kinh tế, sản xuất mà còn là du lịch, đầu tư.

“Thử tưởng tượng nếu một thị trường hàng giả, ai dám đầu tư?”, nguyên Phó ban Phòng chống buôn lậu Thành phố Hà Nội đặt câu hỏi./.

Theo Đào Bích / Gia đình Việt Nam