Biến thịt lợn thối thành lợn sữa vàng ươm

Theo thông tin trên tờ An ninh Thủ đô, nhận được một số thông tin về việc có sự xuất hiện của khối lượng lớn thịt lợn ôi thối không đảm bảo chất lượng tuồn vào TP.HCM nên tổ công tác liên ngành của thành phố tích cực kiểm tra. Ngày 27/9, tổ công tác này bất ngờ phát hiện chiếc xe khách mang biển số 77B- 00564 do tài xế Lê Xuân Dũng điều khiển đang trên đường di chuyển vào khu chế xuất Linh Trung. Tổ công tác đã ập vào kiểm tra đột xuất và phát hiện lượng lớn thịt lợn sữa đang bốc mùi hôi thối.

Sau khi áp tải xe về trạm để kiểm tra, phát hiện 440kg lợn sữa, đang chảy dịch, bốc mùi hôi thối, 323kg mỡ lợn sơ chế cũng bốc mùi hôi và có dấu hiệu phân hủy, trên xe còn có 600 quả trứng vịt hư hỏng. Lái xe Dũng đã không xuất trình được giấy tờ của lô hàng cũng như giấy chứng nhận kiểm dịch và xuất xứ của lô hàng.

Theo lái xe Lê Xuân Dũng khai nhận thì ông là lái xe giường nằm thầu xe để chạy nhưng do ít khách nên thường nhận vận chuyển thêm hàng hóa dưới cốp xe. Một trong những thứ hàng hóa vận chuyển có lời nhất đó là các loại thịt và mỡ thối chuyển từ miền Trung vào TP.HCM và các tỉnh miền Đông. Số thịt và mỡ lần này cũng vậy.

Người nhờ ông vận chuyển vào khu chế xuất Linh Trung cũng chỉ giao dịch với ông qua điện thoại, hẹn ông cứ chở hàng đến TP.HCM thì điện để ra nhận hàng. Tuy nhiên, khi ông Dũng bấm máy gọi số người sẽ nhận hàng của ông thì không liên lạc được. 

 

Thịt lợn thối "biến" thành thịt lợn thơm ngon

Theo một tài xế tên Chung thì một số cửa hàng, nhà hàng ở miền Nam đặt hàng với nhà xe cứ thấy ai gửi thịt lợn chết, đã bốc mùi cũng cứ nhận mang vào họ sẽ tự động đến nhận và trả tiền. Thấy cũng tiện và có lãi nên hầu như cánh lái xe có ai gửi cũng đều nhận hết. Có khi không biết tung tích và địa chỉ của người nhận hàng chính xác ở đâu vì hầu như chỉ giao dịch trên điện thoại là chính.

Cũng theo lái xe này thịt lợn, nhất là thịt lợn sữa dù có vận chuyển mấy ngày vẫn có thể dùng được. Chủ trang trại sau khi đã mổ lấy nội tạng và sơ chế xong sẽ đưa thịt lợn sữa vào buộc kín trong nilon.

Trước khi bỏ vào túi nilon, lấy một ít nước trong, cho 1 thìa bột hóa chất vào rồi hòa cho tan rưới lên thịt hay nguyên cả con thì thịt sẽ không thối rữa. Khi nào những nhà hàng đặt mua các loại thịt thối này nhận được, họ tiếp tục chế biến và rưới lên đó nước hóa chất khử mùi một lần nữa thì thịt gì cũng thành thơm ngon cả. 

Đối với thịt lợn sữa thối sẽ được các cơ sở sản xuất chế biến và quay giòn lên bán cho các nhà hàng đặc sản, nhà hàng tiệc cưới, quán nhậu. Còn mỡ thối thì được cắt thành từng tảng và rán lên rồi bán cho các quán bún, quán nhậu.

Theo các chuyên gia về thực phẩm thì chất chính để chế biến các loại thịt heo ôi thối thường là SO2. Liều lượng sử dụng với người ở điều kiện không hạn chế là 0,1-0,35mg/kg thể trọng, có điều kiện là 0,36-1,50 mg/kg thể trọng. SO2 không được sử dụng trong bảo quản các loại thịt.

Nếu nhúng thịt thiu, thối vào dung dịch này một thời gian ngắn lấy ra để ráo nước, thịt sẽ mất mùi hôi thối và có màu hồng đẹp như thịt tươi, đây là thủ thuật đánh lừa thị giác khách hàng chứ thịt đã thối, hư hỏng thì không thể khôi phục tươi lại được. Và như vậy SO2 sẽ đọng lại trên thịt, nếu người ăn phải thì rất nguy hiểm.

1 tạ tim lợn đã mốc xanh

Khoảng 4h ngày 2/10/2015, Đội 4 - Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, CATP Hà Nội đã chủ động phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra các hộ chuyên kinh doanh thực phẩm đông lạnh, nhập khẩu tại chợ Phùng Khoang (Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện 03 hộ kinh doanh ở chợ gồm: Nguyễn Thị Thanh; Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Khâm đang kinh doanh tim lợn nhập khẩu nhưng không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Số tim lợn có màu đen, mốc xanh đang trong giai đoạn cấp đông được phát hiện tại 3 hộ kinh doanh ở chợ Phùng Khoang 

Chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng dễ nhật biết, toàn bộ số tim lợn của 3 hộ kinh doanh này có màu đen, mốc xanh, có dấu hiệu cấp đông lại, không đảm bảo điều kiện về ATTP.

Làm việc với lực lượng chức năng, các chủ kinh doanh đều khai nhận, tim lợn đông lạnh được các hộ kinh doanh nhập về không rõ nguồn gốc để bán cho người tiêu dùng.

Đoàn công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 03 hộ kinh doanh trên. Đồng thời tịch thu hơn 100kg tim lợn đông lạnh này, giao cho lực lượng Thú y quận Nam Từ Liêm chịu trách nhiệm tiêu hủy.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và tịch thu hơn 100kg tim lợn nhập khẩu không rõ nguồn gốc và không đảm bảo điều kiện về ATTP

Chỉ huy của Đội 4 - Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, CATP Hà Nội cho biết, trước đó, qua công tác nắm tình hình về lĩnh vực ATTP trên địa bàn TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường Công an TP Hà Nội phát hiện một số hộ kinh doanh tại chợ Phùng Khoang kinh doanh thực phẩm đông lạnh nhập khẩu không đảm bảo điều kiện về ATTP nên đã báo cáo lãnh đạo phòng xin ý kiến chỉ đạo sau đó chủ động lên kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng vào cuộc, kiểm tra xử lý. 

Vi cá mập giả có thể làm từ nhựa dẻo

Vi cá mập làm từ nhựa dẻo

Cũng thep Tiền phong, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Nafiqad (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, qua kiểm tra, phân tích mẫu từ người dân cung cấp, đã phát hiện vi cá mập giả mạo, khi đốt mùi khét của nhựa dẻo.

Theo Nafiqad, qua thông tin và mẫu vật từ người dân, Cục đã tiếp nhận, xác minh từ mẫu vi cá mập do nghi ngờ là hàng giả. Đặc tính cảm quan với mẫu vật vi cá mập trên là sợi vi cá trong suốt (không có vi sụn), có độ dẻo, dai tốt hơn bình thường; mùi tanh nhẹ và khi đốt có mùi khét của vật liệu nhựa dẻo.

Nafiqad cho biết, theo báo cáo của FAO (năm 1999), hàm lượng dinh dưỡng có trong vi cá mập nói chung trong 100g là: Nước 14g; Protein 83, 5g; Fat 0,3g; Ash 2,2g; Phosphorus 194 mg…

Qua kết quả phân tích Nafiqad cho thấy, hàm lượng chất phosphorus tổng số trong mẫu nghi ngờ chỉ 0%; hàm lượng Nitrogen tổng số 34% (cao hơn gấp 3 lần báo cáo đánh giá giá trị dinh dưỡng vi cá mập của 6 loài khác nhau (14-14.6%) của Viện Công nghệ sau thu hoạch Sri Lanka năm 2003).

Kết quả này có thể kết luận mẫu vi cá do người dân cung cấp là giả mạo. Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại, vi phạm về vấn đề an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có thể “tiền mất, tật mang”.

Theo Nafiqad, vi cá mập được xem như nguyên liệu thực phẩm bổ dưỡng và chữa bệnh của người dân và có truyền thống từ lâu đời.

Nguyên liệu này được dùng chủ yếu trong chế biến món ăn cao cấp như súp vi cá mập hoặc chế biến thành thực phẩm chức năng hỗ trợ tạo sụn xương./.

Ngân Chi (Tổng hợp)/ Theo Ngày nay Online