"Nói về sự phát triển của bất động sản, những tòa nhà mới chỉ cho chúng ta thấy “phần cứng” trong khi “phần mềm” của chung cư chưa thực sự được chú trọng. Ngôi nhà của chúng ta sống không chỉ là khối bê tông mà còn cần là nơi để tái tạo sức khỏe, để quan tâm và nuôi dưỡng tình yêu thương".

Đây là phát biểu của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong lễ phát động Cuộc thi Nơi tôi sống do Tạp chí Bất động sản Việt Nam (reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia đình mới phát động.

Tuy nhiên, việc xây dựng “phần mềm” ở chung cư hiện đang gặp rất nhiều vấn đề, một số chuyên gia quan ngại rằng tốc độ phát triển của những tòa nhà cao tầng đang tỷ lệ nghịch với khả năng tạo lập không gian sống văn minh và nhân văn.

Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu TS.KTS Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA); nhà văn Hoàng Anh Tú; bà Lê Thị Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc dự án Mỹ Đình Pearl, SSG Group và ông Lê Thế Nam, thành viên Ban quản trị Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội).

Thiết kế: Thế Công

Thiết kế: Thế Công.

PV: Hiện nay, nhiều người quan niệm, bỏ mười đồng mua nhà thì chỉ dành 3 đồng để mua nơi "tránh mưa, tránh nắng", còn lại dành đến 7 đồng là mua không gian sống chất lượng. Trước hết, xin được hỏi nhà văn Hoàng Anh Tú, anh sẽ chịu chi bao nhiêu tiền để mua một không gian sống lý tưởng?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi cũng đồng quan điểm với điều này. Chúng ta có thể bỏ ra 3 tỷ đồng để mua một căn hộ đẹp lung linh, rộng thênh thang nhưng có khi bỏ ra đến 30 tỷ cũng chưa mua được một không gian sống lý tưởng. Không thể có một chốn trở về ấm áp an yên nếu như phải vượt qua bao nhiêu bụi bặm, tiếng ồn, những con đường lầy lội hay sống xen giữa đủ mọi loại thành phần bất hảo.

Đã qua rồi cái thời “miễn có một căn nhà là đủ, ở đâu không quan trọng”. Thậm chí, trong một thị trường bất động sản sôi động như hiện nay, kể cả cho "ăn bánh vẽ" cũng không được chứ đừng nói là nhà tôi đẹp dù cảnh quan, không gian xung quanh dở, xấu, tệ. Tôi vẫn nghĩ rằng khi mua một căn nhà không đơn thuần là việc chúng ta chịu chi bao nhiêu mà quan trọng là chúng ta định nghĩa mình sẽ sống thế nào.

PV: Dường như cuộc sống tiện nghi, càng sống ở những chung cư cao vun vút, mối quan hệ giữa con người với con người lại càng trở nên xa cách?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Đấy chính là thứ mà tôi đã nói ở trên! Gia đình tôi quyết định mua một căn hộ chung cư gần 150m2 (trong khi với số tiền ấy có thể mua được một căn liền kề hay thậm chí một biệt thự nếu chịu đi xa hơn một chút) là bởi tôi vẫn muốn nghe thấy tiếng người nhiều hơn mỗi ngày khi về nhà.

Với một mặt sàn, cả nhà thay vì mỗi người một tầng, chúng tôi có thể giao tiếp với nhau nhiều hơn. Tôi có những hàng xóm, rất đông hàng xóm mà có thể không chơi với người này thì có thể chơi với người khác chứ không phải chỉ nhõn 2 ông, nhà 2 bên mà có khi ghét là khỏi ra sân uống trà.

Thực ra, tôi cũng không hiểu là càng hiện đại người ta càng cần riêng tư hơn hay cuộc sống ở chung cư càng tiện nghi lại càng khiến người ta "đóng cửa" với các mối quan hệ. Có lẽ là cả hai. Đó là lý do mà bố mẹ tôi kiên quyết ở phố thay vì ở chung cư. Các cụ cần hàng xóm!

Chung cư có nhiều hàng xóm, rất nhiều hàng xóm nhưng chúng tôi gặp nhau trên mạng xã hội nhiều hơn là gặp bên ngoài. Có khi sát vách đấy nhưng biết nhau trên mạng hơn là ngoài hành lang hay trong nhà sinh hoạt cộng đồng. Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là sự phát triển tất yếu, khi văn hoá làng xã, hàng xóm láng giềng đang không còn được chấp nhận trong cách sống của người trẻ hôm nay.

Ông Lê Thế Nam: Tôi đồng quan điểm rằng, càng ở chung cư cao cấp, đắt tiền mối quan hệ giữa con người với con người càng xa cách. Đơn giản như thế này, trong các khu chung cư cao cấp đa phần là những người có mức thu nhập cao, những người trẻ thường tất bật với công việc của mình còn những người đã qua độ tuổi lao động lại yêu thích một cuộc sống khép mình.

Cuộc sống đầy đủ đến nỗi chỉ cần thiếu bất cứ cái gì, họ có thể gọi người mang tới đến hay xuống siêu thị mà không cần nhờ đến hàng xóm. Họ sống khép mình trong chính vỏ bọc là căn nhà của mình. Ban ngày đi làm, tối về nhà quanh quẩn trong bốn bức tường đầy tiện nghi với ti vi, ipad và tới cuối tuần thì cả gia đình cùng nhau đi du lịch. Và hình như người trẻ có tri thức và mức thu nhập cao lại càng yêu thích cuộc sống không muốn va chạm với ai. Họ chỉ quan tâm tới mối quan hệ thiết yếu xung quanh mình mà e ngại mở rộng ra bên ngoài.

Bản thân tôi là một người rất may mắn khi lựa chọn được một nơi ở đáp ứng được các tiêu chí của mình về tiện ích xung quanh như trường học, khu vui chơi, nhà trẻ, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. KĐT Đặng Xá có hơn 2000 hộ dân đến từ 7 tòa nhà chung cư. Chúng tôi có xuất phát điểm là những người ở tỉnh lẻ lên Hà Nội và vẫn mang trong mình tính bản địa như thường xuyên nói chuyện, quan tâm nhau. Nếu như ở trong nội thành, những căn chung cư bị bó hẹp về không gian sinh hoạt, xây chọc trời thì ở những căn chung cư ngoại thành được thiết kế ít tầng, nhiều khoảng không để gặp gỡ, trao đổi. Tôi có một cảm giác, văn hóa làng xóm xưa vẫn hiện hữu trong nơi tôi đang sống.

PV: Như ông Lê Thế Nam vừa chia sẻ thì rõ ràng việc con người ta đang ngày càng lười chia sẻ, kết nối với nhau, một phần chính bởi thiết kế của các chung cư, khu đô thị đang tạo ra khoảng cách vô hình. Hay có thể hiểu rằng, bên trong của một khu đô thị cao vun vút, hiện đại, long lanh và đẹp mắt, chưa chắc đã là một "phần mềm" sống động, phong phú, KTS Trương Văn Quảng nghĩ sao về điều này?

TS. KTS Trương Văn Quảng: Vào thời bao cấp, chúng ta có những khu chung cư hay còn gọi là khu tập thể như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ... Những khu tập thể này dành cho đối tượng công chức, người lao động. Mặt bằng dân trí là đồng đều nhau. Những khu tập thể này được quản lý bởi chính quyền địa phương và tập hợp đầy đủ các tiện ích như trường học, nhà trẻ, chợ. Không gian thiết kế trong từng căn hộ nhỏ nhưng diện tích công cộng lại thoáng rộng.

Đến nay, quá trình chuyển đổi mô hình chung cư ở thời điểm đô thị hóa đã có nhiều sự khác biệt. Hiện tại có thể chia các khu chung cư thành 3 loại: loại ít tiền hay nhà ở xã hội; loại bình dân và loại cao cấp.

Đặc điểm của loại cao cấp là diện tích căn hộ lớn, đầy đủ tiện nghi, an ninh tốt nhưng nhiều toa lại xây được thiết kế khá "lạnh lùng", bó hẹp không gian giao tiếp.Mặc dù những nơi này có thể có khu vui chơi, trung tâm thương mại rộng lớn, nhưng chính vì sự pha trộn giữa cả cư dân trong khu vực lẫn nhiều khách hàng bên ngoài khiến không gian bị loãng, cư dân thiếu sự tương tác kết nối riêng với nhau, từ đó thiếu sự chia sẻ cộng đồng.

Đối với chung cư bình dân, diện tích căn hộ thường nhỏ hơn, được xây dựng thành nhiều tầng chồng nhau, nơi đây cũng tồn tại khoảng cách về giao tiếp mặc dù đặc tính cộng đồng vẫn có.

Trong khi đó, tính cộng đồng trong các khu chung cư như nhà ở xã hội lại cao hơn. Thứ nhất là do diện tích của những căn hộ này nhỏ, người dân vẫn còn tính bản địa, mặt bằng dân trí đồng đều nên người dân có sự giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, một số khu đô thị mới đang thiếu vắng nhân tố quan trọng như các chung cư xưa là không gian phục vụ cuộc sống của cư dân như trường học, khu vui chơi, chợ. Các tòa chung cư cao tầng đơn thuần chỉ có nhà ở và khu thương mại, thiếu đi những thiết kế mang tính kết nối cộng đồng, có khi một toà nhà trơ trội giữa một vùng đất trống, và phải đi rất xa người ta mới có thể tìm được không gian vui chơi, trường học công, y tế...

Cũng vì lợi ích kinh tế mà một số chủ đầu tư bỏ qua các khu tiện ích cho người dân, họ tận dụng tối đa tất cả diện tích để chồng tầng, không gian bên dưới bị chiếm dụng cho thuê... Hơn nữa, một số người dân lại có tư tưởng rằng “chỉ cần ở” mà chưa quan tâm tới phần "hồn" của không gian sống.

PV: Như TS.KTS Trương Văn Quảng vừa chia sẻ, vì bài toán kinh tế mà nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm tới việc chất sao để được nhiều tầng, xây thế nào để tạo được một vỏ ngoài long lanh hay chính xác là xây nhà chứ không phải tạo lập không gian sống. Trên góc độ của một doanh nghiệp phát triển bất động sản, bà nghĩ sao về điều này, thưa bà Lê Thị Thanh Hà?

Bà Lê Thị Thanh Hà: Tôi có nghe được một câu nói vui như này “cứ hết mình với khách hàng - khách hàng sẽ hết tiền với mình”. Với sự phát triển không ngừng của các khu đô thị thì những gì mà người dân mong muốn nhất chính là một dự án đầy đủ tiện nghi, tiện ích nhưng vẫn mang lại hơi thở trong lành của thiên nhiên.

Tôi biết thực tế mỗi chủ đầu tư lại có triết lý, chiến lược khác nhau. Riêng với SSG, hiểu được mong muốn của người dân ước mơ được sống an yên trong căn hộ của mình cùng người thân, chúng tôi đã cố gắng làm tối đa những gì có thể để xây dựng 1 không gian xanh, trong lành cho những cư dân của mình. Niềm hạnh phúc của cư dân chính là thứ đem lại sự cân bằng trong lợi nhuận của chúng tôi. Đó là cách để tạo dựng một thương hiệu lâu dài.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng các tiện ích của người dân, đặc biệt là khu sinh hoạt cộng đồng là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với một dự án chung cư. Người xưa đã có câu “láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” chưa bao giờ sai lệch, nên việc xây dựng một văn hóa cộng đồng tốt, bao gồm những người văn minh, lịch sự, hiện đại sẽ đem lại chất lượng cao cho cuộc sống của chính các cư dân. Sự hài lòng của cư dân trong các chung cư là thước đo thành công của một dự án.

PV: Số lượng chung cư, các khu đô thị đang tăng lên chóng mặt ở Hà Nội và TP.HCM, phải chăng vì tốc độ tăng quá nhanh nên Nhà nước chưa kịp đưa ra những tiêu chí, quy định cụ thể để xây dựng chung cư chất lượng, một không gian sống theo đúng nghĩa thưa KTS Trương Văn Quảng?

TS. KTS Trương Văn Quảng: Hiện nay, các chính sách TP Hà Nội và Nhà nước hướng tới xây dựng một không gian sống với hệ tiêu chí rất rõ ràng. Một khu chung cư bao giờ cũng có quy định về diện tích tối thiểu không gian cộng đồng, các tiện ích chung. Trong quá trình thiết kế, người kiến trúc sư đã phải xác định rõ đâu là không gian công cộng chứ không phải đợi đến thời điểm xây xong mới xác định.

Tuy nhiên, sau quá trình được duyệt, chủ đầu tư lại lách luật, chuyển nhượng những khu tiện tích thành khu đất ở. Thế nên, có rất nhiều "cái khác" xuất hiện kể từ lúc dự án được hình thành đến khi người dân chuyển vào ở. Cũng bởi sự khác biệt đó mà chính người dân rơi vào tình trạng đành "nhắm mắt đặt chân" vào nơi mình đã bỏ tiền ra mua dù trước đó họ được nghe rất nhiều lời quảng cáo mỹ miều.

Không gian sống bị thiếu đi những tiện ích cơ bản,những cư dân ở chung cư phải chấp nhận sống trong sự thiếu thốn một không gian nuôi dưỡng tinh thần, sức khỏe. Chưa kể, họ còn phải thường xuyên "đấu tranh" cho những quyền lợi của mình với chủ đầu tư. Sự khó chịu ngày càng chất chồng khiến người dân bức bối trong chính nơi mình ở.

PV: Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Thanh Hà nghĩ sao về những bức bối chất chồng của cư dân khi sống trong các chung cư, khu đô thị?

Bà Lê Thị Thanh Hà: Hiện nay, dự án Mỹ Đình Pearl được đầu tư xây dựng với mục tiêu là dự án chất lượng cao cấp, đối tượng thu hút sẽ là những người tri thức, có học vấn và thu nhập cao. Như vậy, chúng tôi chú trọng xây dựng những tiện ích nội khu trong dự án như vườn BBQ, các sân chơi thể thao, vườn Yoga… để hướng khách hàng đến một cuộc sống lành mạnh, gắn kết với nhau hơn.

Từ ví dụ này, tôi chỉ muốn chia sẻ rằng, trên góc độ của những người xây dựng và kiến thiết các khu chung cư, thiết nghĩ, chủ đầu tư chính phải là ngườiđặt viên gạch đầu tiên để xây dựng “phần mềm” cho khu chung cư.

Trước khi triển khai kế hoạch dự án bất động sản, chủ đầu tư đã phải xác định, đối tượng cư dân mà mình muốn hướng tới là ai. Từ việc hiểu cư dân của mình là ai, chủ đầu tư sẽ phải thiết kế mô hình chung cư phù hợp để đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho đối tượng mà mình hướng tới.

Nhưng thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng đủ tâm và tầm đặt cư dân là gốc cho các dự án bất động sản.

PV: Xin cảm ơn các chuyên gia đã tham gia chia sẻ!

Xin mời quý độc giả đón đọc Bài 2: "Cư dân khu đô thị là ai?" trên reatimes.vn!

Theo Reatimes.vn